Khi nghĩ về tuổi trẻ, về thế hệ thanh niên, tôi nhớ đến câu chuyện về một người bạn “con cha cháu ông” rất đặc biệt...
Mùa xuân-năm mới là dịp trời đất chuyển mùa, vạn vật sinh sôi vì thế như một quy luật tâm lý dễ hiểu người ta thường suy nghĩ về tuổi trẻ- những người được coi là biểu tượng của tương lai và hi vọng.
“Ngày lễ thành nhân” ở Nhật Bản
Ngay đầu năm mới, thanh niên Nhật Bản sẽ chào đón và tham dự một nghi lễ rất quan trọng có tên “Ngày lễ thành nhân”.
“Ngày lễ thành nhân” được chính quyền các địa phương tổ chức hàng năm để chúc mừng những người tròn 20 tuổi. Nghi lễ này đánh dấu họ đã trở thành người trưởng thành được xã hội công nhận và đổi lại họ cũng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những hành động của mình.
Ngày lễ thành nhân vốn được bắt đầu vào năm 1946 sau khi Nhật Bản bại trận. Ban đầu nó được tổ chức ở phố Warabi (tỉnh Saitama) với mục đích“đem lại sự khỏe mạnh và tự tin cho giới trẻ” nhưng sau đó lan rộng ra toàn quốc và được luật hóa thành “quốc lễ”.
Những năm gần đây, trong bối cảnh dân số suy giảm và kinh tế trì trệ, và nhiều hiện tượng bất thường xảy ra ở giới trẻ, người Nhật ngày một quan tâm hơn tới ngày lễ thành nhân và ý nghĩa của nó. Cho dù tư duy đa dạng, người Nhật vẫn chia sẻ mẫu số chung về sự kì vọng vào sự tự tin, tinh thần độc lập và tinh thần trách nhiệm ở thanh niên.
Trong bối cảnh ấy, xu hướng nhìn lại quá khứ và chú ý tới những thanh niên lý tưởng thời Mạc Mạt. Nước Nhật ở vào cuối thời Mạc phủ Tokugawa đầu thời Minh Trị đã xuất hiện rất nhiều thanh niên có chí lớn như Ogata Koan(1810-1863), Saigo Takamori (1827-1877), Yoshida Shoin (1830-1859). Fukuzawa Yukichi (1835-1901)…
Những nhân vật trên dù xuất thân khác nhau, cơ hội tiếp xúc với văn minh phương Tây khác nhau, nền tảng học vấn khác nhau song đều có những điểm chung nổi bật: sớm nhìn ra thế giới để biết hiện tình của đất nước để nỗ lực hỏi học, có tinh thần tự lập mãnh mẽ và khát vọng cải tạo xã hội.
Như Saigo Takamori, tổng chỉ huy quân đội đảo Mạc trong Minh Trị duy tân, đại tướng lục quân, Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của chính quyền Minh Trị, cũng sớm cảm nhận được thời cuộc và đi lại khắp nơi kết giao với các chí sĩ khác. Khi Fujita Toko (phiên chủ phiên Mizuto (1)) gặp Saigo Takamori, ông ta đã nói với các đệ tử: “Người truyền đến đời sau cái chí trong tâm óc ta không phải ai khác chính là thanh niên này”.
Yoshida Shoin, nhà Hà Lan học, ngay từ lúc 12, 13 tuổi đã giảng bài trước mặt phiên chủ và sớm nhận ra thời thế khi biết Trung Quốc đã thất bại trước các “liệt cường” phương Tây trong cuộc Chiến tranh thuốc phiện. Năm 1850,khi 20 tuổi ông đã đến Kyushu để học về quân sự phương Tây sau đó lên Tokyo rồi vùng Đông Bắc Nhật Bản. Năm 1853, khi người Nhật hoảng hốt trước các “Hắc thuyền”của đô đốc Perry, ông đã cùng với thầy là Sakuma Shozan đến tận nơi quan sát những chiến thuyền này.
Tương tự, Fukuzawa Yukichi, người được mệnh danh là“Voltaire của Nhật Bản”, năm 21 tuổi đã lên đường tới Nagasaki để học về khoa học châu Âu thông qua sách của người Hà Lan. Năm 25 tuổi đã mở một trường tư KeioGijuku (Khánh Ứng nghĩa thục).
Những nhân vật trên đều sớm có trong mình hoài bão lớn và khát vọng cải tạo xã hội. Để theo đuổi lý tưởng, họ đã bền bỉ không ngừng và không ngại khó khăn, nguy hiểm. Chẳng hạn, Yoshida Shoin do tìm cách trốn ra nước ngoài để học hỏi văn minh mà bị ném vào ngục tối và sau đó bị xử tử khi mới 29 tuổi. Fukuzawa Yukichi dù có tài năng và chí lớn, ông đã kiên định con đường khai sáng quốc dân bằng trước tác và giáo dục mà không tham gia con đường của chính trị gia.
Mùa xuân, người ta thường nghĩ về tuổi trẻ, về thế hệ thanh niên. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Ngẫm về tuổi trẻ Việt Nam
Tuổi trẻ, xét ở nhiều phương diện và ý nghĩa luôn gánh trên vai tất cả di sản của những thế hệ đi trước. Nhưng trong cuộc sống với bao vấn đề và nỗi âu lo hiện tại, tuổi trẻ dường như đang đứng ở ngã ba đường.
Khi nghĩ về tuổi trẻ và chuyện “lập thân xuất thế” tự nhiên tôi nhớ lại những câu chuyện ồn ào xung quan các cậu ấm thuộc diện “con cha cháu ông” sớm hanh thông đường quan lộ, khiến rất nhiều người, trong đó có những người trẻ tuổi bức xúc.
Bức xúc là chuyện đương nhiên. Nhưng ở đây tôi muốn kể một câu chuyện khác về “con cha cháu ông”.
Một người bạn của tôi, xuất thân từ gia đình mà cả bố và mẹ đều có vị trí cao trong xã hội. Bố là quan chức ngoại giao, mẹ là lãnh đạo trong ngành công thương.
Khi anh tốt nghiệp đại học, bố mẹ đều đang đương chức. Nếu đi theo lối mòn “ăn sẵn” của không ít “cậu ấm cô chiêu” khác, nghiễm nhiên anh sẽ có ngay một ví trí “ngon” ở trong hệ thống cơ quan nhà nước và con đường“thăng quan tiến chức” sẽ được lập trình sẵn.
Nhưng anh đã sớm chọn con đường đi của mình. Anh học tiếng Nhật và sang Nhật… làm thuê cho Nhật. Nhờ kĩ năng nghề IT và khả năng ngoại ngữ,anh có cuộc sống kinh tế độc lập và thoải mái. Anh cũng chọn bạn đời thay vì nghe theo mai mối của bố mẹ. Sự độc lập về kinh tế và nghề nghiệp đã tạo nên ở anh sự độc lập trong tư duy khi nhìn nhận các vấn đề xã hội trong trạng thái tinh thần tự do.
Đôi khi ngồi nói chuyện vui, chúng tôi thường nói: “Cậu đúng là điển hình của thanh niên nhà giàu vượt… sướng”. Đáp lại anh chỉ cười, nụ cười của người đang cảm nhận thế nào là độc lập, tự do.
Thanh niên Việt Nam hiện tại đang đối mặt rất nhiều vấn đề,thiết thân và nóng bỏng nhất là vấn đề thất nghiệp, mà để vượt qua, tư duy độc lập, khát vọng sống tự lập của từng cá nhân cũng rất quan trọng. Nhiều cá nhân tự lập và có khát vọng sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng để thay đổi xã hội.
Không gì buồn hơn khi nhìn thấy sự yếu đuối và lệ thuộc tinh thần của tuổi trẻ. Ngay khi chuyện “con ông cháu cha” đang nóng trên mặt báo, một bạn trẻ đang du học tâm sự rằng “con ông cháu cha sướng thật. Chưa học xong đã được làm sếp rồi. Ước gì gia đình em cũng có người làm to”.
Câu nói đó rất chân thật nhưng nghe sao đau xót và nó ám ảnh tôi. Có lẽ không phải chỉ có một mình cậu thanh niên kia nghĩ thế và nó manh nha cho thấy một dấu hiệu yếm thế về tinh thần của thanh niên? Mùa xuân sẽ không bao giờ tới nếu như tuổi trẻ không ý thức được và thoát ra khỏi sự yếm thế ấy.
Nguyễn Quốc Vương
------
(1) Đơn vị hành chính địa phương dưới thời Mạc phủ sau đổi thành tỉnh.