Nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra thông báo này vào thứ tư tuần trước - cấm tuyệt đối các con buôn sử dụng những từ ngữ như "phục hồi chức năng"; "chữa bệnh cận thị"... Để đánh lừa người mắc cận thị và các vị phụ huynh.
Trong thông báo cho hay, dù công nghệ y tế đã có những tiến bộ vượt bậc, cận thị không thể chữa khỏi.
Wang Min, phó giám đốc bệnh viện mắt AIER ở Thượng Hải, nói với The Paper rằng: Trong khi cận thị không thể chữa khỏi, vẫn có thể khắc phục bằng cách đeo kính, kính áp tròng hoặc phẫu thuật.
Tuy nhiên, sau khi lệnh cấm được ban bố, kết quả tìm kiếm của những từ khóa như "chữa cận thị"; "phục hồi thị lực"... trên các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc vẫn cho ra hàng loạt thiết bị và thuốc chữa cận thị.
Một trong số những sản phẩm nổi bật là "máy phục hồi cận thị F-Sonic Ultrasound", được bán với giá 4600 - 6580 tệ (khoảng 16 - 22 triệu đồng).
Trong phần miêu tả sản phẩm ghi "máy mới được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản", thậm chí đổi trả thoải mái sau 6 tháng sử dụng, chỉ bị trừ 30% phí khấu hao. Ngoài ra, có thể mua lại sản phẩm đã qua sử dụng cho rẻ nhưng không thể đổi trả.
Tuy nhiên, trên Weibo vẫn xôn xao vụ việc máy F-Sonic khiến thị lực của một học sinh trở nên tồi tệ hơn sau 2 tháng sử dụng. Dù vậy, con buôn chỉ đáp rằng, thiết bị này không có tác dụng phụ gây hại nhưng cũng không thể hiệu quả 100%.
Một sản phẩm khác gây sốt không kém là "trà chữa cận thị, chứa hơn 20 thành phần giúp hồi phục thị lực" và công ty sản xuất đã có 40 năm kinh nghiệm sản xuất thuốc chữa mắt. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau khi quảng cáo rầm rộ thì nhà sản xuất đã biến mất không tăm hơi.
Theo Sixthtone, có khoảng 40% học sinh tiểu học, 70% học sinh trung học, sinh viên Đại học ở Trung Quốc mắc chứng cận thị.