Địa phương nợ lớn
Kết quả kiểm toán cho thấy, đến ngày 31/12/2019, một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản với giá trị lớn.
Cụ thể, tỉnh Ninh Bình 6.338 tỷ đồng; Thanh Hóa 2.246 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.805 tỷ đồng; Lạng Sơn 1.702 tỷ đồng; Quảng Ninh 1.158 tỷ đồng; Phú Thọ 1.075 tỷ đồng; TP. Hà Nội 890 tỷ đồng; TP. Hải Phòng 852 tỷ đồng; Bộ GTVT 1.080 tỷ đồng...
Thậm chí, theo Kiểm toán Nhà nước, một số địa phương, dự án còn để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Đó là: Dự án đầu tư xây dựng công trình đường đến trung tâm xã Thuận Hòa huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (đến thời điểm phê duyệt quyết toán nợ 74,8 tỷ đồng, tính đến thời điểm 30/6/2020 nợ 26 tỷ đồng). Các tỉnh Nghệ An 328,8 tỷ đồng; Hà Tĩnh 300,3 tỷ đồng; Quảng Ninh 423,8 tỷ đồng; Phú Thọ 260,6 tỷ đồng; Lào Cai 258,2 tỷ đồng; Phú Yên 102,1 tỷ đồng...
Nợ đọng xây dựng cơ bản là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có vốn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó. |
Khi thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội 5 năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý vấn đề nợ xây dựng cơ bản.
Theo Ủy ban Kinh tế, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Con số được Ủy ban Kinh tế cập nhật là đến hết năm 2020, số nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại là 9.923 tỷ đồng.
Một số đơn vị còn nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn gồm: Ninh Bình (5.596 tỷ đồng), Lạng Sơn (1.582,1 tỷ đồng), Phú Thọ (755 tỷ đồng), Quảng Ninh (715 tỷ đồng), Bộ Giao thông vận tải (1.214 tỷ đồng)...
Thẩm tra kế hoạch đầu tư công 2021-2025, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý về tình trạng này.
Nghị quyết 26 quy định ưu tiên đầu tiên khi xây dựng phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là “Bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản”. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020 đã cân đối đủ vốn để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTW, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn đọng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Nhiều địa phương nợ xây dựng cơ bản còn lớn. |
Qua giám sát, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, trong một số trường hợp, chưa ưu tiên bố trí vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính ngân sách ghi nhận một số bộ, địa phương còn nợ đọng xây dựng cơ bản chưa xử lý dứt điểm.
Cụ thể, tỉnh Hà Giang báo cáo số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương là 106 dự án, nợ đọng XDCB 268,4 tỷ đồng; Bộ Giao thông vận tải báo cáo số liệu nợ xây dựng cơ bản trước ngày 01/01/2015 là 1.137 tỷ đồng phải bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thanh toán. Ngoài ra, Ủy ban Tài chính ngân sách nhận được văn bản kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Lắk đề nghị giải quyết số nợ đọng 75 tỷ đồng của dự án đã đưa vào sử dụng từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thanh toán …
Một số công trình đang nợ đọng xây dựng cơ bản từ giai đoạn trước nhưng địa phương chưa báo cáo.
Chính phủ dự kiến bố trí vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản giai đoạn 2021-2025 là hơn 937 tỷ đồng. Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy, báo cáo của Chính phủ chưa tổng hợp báo cáo rõ tình hình nợ đọng của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Do vậy, Ủy ban này đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, bố trí vốn thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định
Ứng trước nghìn tỷ chưa thu hồi
Ngoài ra, qua kiểm toán cho thấy, 27/40 địa phương còn tình trạng cho tạm ứng kéo dài quá thời hạn chưa thu hồi đến 31/12/2019 với số tiền 5.994 tỷ đồng. Cụ thể tỉnh Phú Yên 594 tỷ đồng; Lâm Đồng 400,3 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 225,8 tỷ đồng; Đắk Lắk 223 tỷ đồng; Lạng Sơn 202 tỷ đồng; Gia Lai 120 tỷ đồng,...
Trong đó, có 2/27 địa phương tạm ứng kéo dài qua nhiều năm, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị các năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được các tỉnh xử lý dứt điểm 157,4 tỷ đồng (Tỉnh Phú Thọ 96,8 tỷ đồng; Tuyên Quang 60,6 tỷ đồng).
Ngoài ra, có trường hợp cho vay kéo dài từ năm 2002 chưa thu hồi 5,8 tỷ đồng (tỉnh Hải Dương); cho vay nhưng chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định 7 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, có 13/40 địa phương ứng trước dự toán ngân sách trung ương nhưng chưa được Trung ương bố trí để thu hồi hơn 10.343 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ phương án xử lý và Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị địa phương báo cáo Trung ương. Nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa được bố trí nguồn 5.689 tỷ đồng.
Có 20/40 địa phương tạm ứng từ ngân sách Trung ương đến 31/12/2019 chưa thu hồi 2.833 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến bố trí hơn 33.447 tỷ đồng để thu hồi các khoản vốn ứng trước. Tuy nhiên, qua rà soát, Ủy ban Tài chính ngân sách thấy rằng số vốn dự kiến bố trí thanh toán vốn ứng trước là chưa đủ. Cũng theo số liệu của Chính phủ, tổng số vốn ngân sách Trung ương ứng trước chưa thu hồi khoảng 48,1 nghìn tỷ đồng.
Để bảo đảm thực hiện đúng trật tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định pháp luật, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, báo cáo đầy đủ, chính xác về tổng số nợ đọng xây đựng cơ bản thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách trung ương và số vốn ứng trước chưa thu hồi; Bố trí vốn hoàn trả đầy đủ các khoản vốn ứng trước, thanh toán dứt điểm nợ đọng xây đựng cơ bản trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, kể cả nghĩa vụ nợ của NSTW đang tạm ứng nguồn tồn ngân Kho bạc Nhà nước trước đây, các khoản nợ đọng xây đựng cơ bản thuộc ngành giao thông vận tải,... theo quy định.
Lương Bằng
Khối nợ 3,3 triệu tỷ đồng: Ngưỡng an toàn và điều cảnh báo
Khối nợ 3,3 triệu tỷ đồng: Ngưỡng an toàn và điều cảnh báo