Làn sóng đại gia đổ tiền vào bất động sản khiến cho thị trường ngày càng nóng. Bên cạnh các ông lớn trong nước, nhiều cái bắt tay với đại gia ngoại với kỳ vọng tạo nên một diện mạo mới cho Việt Nam. Đằng sau đó cũng có nhiều mặt trái.

Một ngày tăng giá 15 tỷ: Điên cuồng đặc khu, cơn sốt lịch sử

Rầm rộ dự án triệu đô

Sau khi Landmark 81 đi vào hoạt động, tòa nhà cao nhất Việt Nam này có thể sẽ bị thay thế trong tương lai khi ngay sau đó, dự án 88 tầng ở Vân Đồn được công bố. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng phân khu B8 thuộc dự án Con đường di sản tại huyện Vân Đồn. Dự án do Công ty cổ phần Vân Đồn Heritage Road làm chủ đầu tư, có quy mô hơn 3.300 ha.

Một trong các phân khu có tên B8 nằm lại xã Hạ Long, có diện tích 109,63 ha, được chủ đầu tư tuyên bố xây dựng tòa tháp hỗn hợp cao 88 tầng, với quy mô 3.061 phòng, phục vụ khoảng 22.550 người. Khi hoàn thành, đây dự kiến là tòa nhà cao nhất Việt Nam, vượt qua kỷ lục 461,2m của Landmark 81 (TP.HCM) hiện tại.

{keywords}
Dự án soán ngôi Landmark 81 trong tương lai

Rầm rộ từ đầu năm, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, có đề xuất với TP.HCM về việc đầu tư dự án khu đô thị tại Củ Chi với các dự án lớn như Thành phố mới New City tại huyện Củ Chi; Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi về đến quận 1); dự án Hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi; dự án Sài Gòn Marina City và hải cảng hải sản Cần Giờ; dự án di chuyển chợ hóa chất Kim Biên quận 5.

Sau khi được chấp thuận về chủ trương, Tập đoàn Tuần Châu xin TP.HCM một quỹ đất có diện tích 15.000 ha (gấp 15 lần Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Khu đô thị Thủ Thiêm cộng lại) để hình thành một thành phố mới mang tên New City.

Không chỉ dừng ở đó, Tập đoàn Tuần Châu vừa đề xuất xây dựng một tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng lớn tại thành phố Vũng Tàu với quy mô cho khoảng 7.500 người định cư và 12.000 lượt khách lưu trú một ngày đêm. Theo thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án có tên Vũng Tàu Marina City sẽ được triển khai trên một khu đất rộng 345 ha ven biển dọc khu vực từ Bãi Trước đến Bãi Dâu.

Nổi danh thương hiệu Việt trong lĩnh vực bất động sản là Vingroup với hai siêu dự án đô thị tại Hà Nội được khởi công và mở bán trong năm qua. Sau tuyên bố cách đây gần 2 năm, Vingroup vừa ra mắt dự án VinCity đầu tiên tại Gia Lâm (Hà Nội) mang tên VinCity Ocean Park. Tại TP.HCM, những thông tin về VinCity tại quận 9 cũng chưa được công bố chính thức nhưng đã phần nào được tiết lộ bởi các sàn môi giới. Dự án được xây dựng với quy mô 365 ha với tên gọi VinCity Grand Park. Đây là số ít trong các siêu dự án đã công bố được chủ đầu tư 'nói là làm', đến nay đã đi vào triển khai

{keywords}
Siêu dự án của Vingroup

Điểm khác biệt là các căn hộ ở đây có diện tích nhỏ hơn nhiều lần, khi chỉ từ 28-75 m2/căn hộ, trong đó khoảng 1/3 số căn hộ có diện tích dưới 50 m2. Với 3 đại dự án, VinCity tung ra thị trường số lượng căn hộ cũng rất lớn. Tính trung bình, mỗi dự án thường có 40.000-50.000 căn hộ, chưa kể các biệt thự và công trình khác.

Thị trường cũng chứng kiến nhiều đại gia ngoại bắt tay các đối tác trong nước để phát triển các siêu dự án. Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD.

Theo thông tin từ BRG, siêu dự án này sẽ được đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên toàn bộ diện tích khoảng 272 hecta. Giai đoạn 1, liên danh Sumimoto-BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 73,11 hecta.

Ý tưởng và hiện thực

Mặc dù công bố rầm rộ nhưng thực tế cho thấy đa số dự án này mới chỉ là ý tưởng hoặc khởi công xong rồi... bất động. Trong số các dự án BĐS mà đại gia Đinh Trương Chinh đã và đang triển khai, tham vọng lớn nhất phải kể tới là siêu dự án 1,5 tỷ USD ở Phú Thọ. Dự án được UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 28/1/2010.

Theo giới thiệu Dự án Khu đô thị sinh thái Du lịch nghỉ dưỡng Thể thao Tam Nông (Dream City) có rất nhiều các hạng mục như sân golf 36 lỗ đẳng cấp (171,65 ha), trường đua ngựa 231,04 ha, khu phức hợp thể thao (65,71 ha), khu công viên Dreamland (153,58 ha), khu khách sạn 5 sao & vui chơi có thưởng cho người nước ngoài (116,77 ha), khu trung tâm đô thị (189,79 ha), khu biệt thự nhà phố (216,18 ha) và khu dân cư chỉnh trang (63,45 ha),... 

{keywords}
Siêu dự án bị thu hồi

Sau nhiều năm không triển khai, mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã ký quyết định số 3206/QĐ-UBND chấm dứt siêu dự án này.

Hay như cho dự án Sài Gòn Peninsula được Bộ Xây dựng đã đồng ý để TP.HCM triển khai tiếp thủ tục. Đây là dự án gắn với tập đoàn hùng mạnh và kín tiếng Vạn Thịnh Phát, nhưng đã chậm triển khai hơn 10 năm.

Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. Đây là Liên doanh gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để đầu tư phát triển dự án..

Có thể nói, các siêu dự án có tầm ảnh hưởng mạnh tới thị trường bất động sản, về mặt tích cực sẽ tạo nên một diện mạo mới cho đô thị và nâng tầm BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, ở khía cạch khác, siêu dự án lại là tội đồ tạo nên những cơn sốt hay đóng băng của thị trường.

Liên quan đến siêu dự án Marina City của đại gia Tuần Châu, mới đây lãnh đạo TP.HCM khẳng định, UBND TP không đồng ý triển khai; còn tuyến đường ven sông đến giờ phút này chỉ là ý tưởng, chưa có đề xuất gì.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sốt giá đất nền vùng ven từ đầu năm đến nay là do có một số tập đoàn lớn như Tuần Châu công bố thông tin đề xuất các dự án rất lớn. Sau đó, các dự án này lại bất động khiến thị trường rối tung, còn người dân trong vùng dự kiến là dự án thì rối bời. 

Nam Hải