Theo tìm hiểu của PV, ngày 21/9/2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu đô thị mới Bắc đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa cho Công ty TNHH Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (Công ty xây dựng Bình Minh).
Quy mô dự án là hơn 477.000m2, gồm đất xây dựng nhà ở (đất nhà chung cư, đất chia lô, nhà liền kề, đất nhà vườn); đất xây dựng đường giao thông; công trình công cộng (nhà trẻ, mẫu giáo; đất dịch vụ thương mại); đất xây dựng sân thể thao, trồng cây xanh,...
Tuy nhiên, trong quyết định lại không bố trí đất tái định cư. TP Thanh Hóa chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Dự án được thực hiện theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Tây Bắc ga Thanh Hóa (đổi đất lấy hạ tầng-PV). Theo đó, diện tích có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án là 172.936m2, giá đất 1.025.119 đồng/m2, tương đương số tiền gần 177,3 tỷ đồng.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã hai lần điều chỉnh quỹ đất tái định cư. Lần một vào năm 2012, đã bổ sung 3.400m2 đất (tương đương 35 lô) phục vụ tái định cư cho một số hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án.
Đến năm 2021, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có quyết định điều chỉnh, tăng lên 210 lô để bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, tỉnh điều chỉnh một phần đất cây xanh - thể dục thể thao - bãi xe thành 12.000m2 đất ở tái định cư (186 lô); điều chỉnh sắp xếp lại một số lô đất thuộc quỹ đất tái định cư trước đó, từ 35 lô thành 42 lô.
Tuy đã qua hai lần điều chỉnh, nhưng từ đó đến nay tỉnh vẫn chưa bố trí đất tái định cư, khiến 86 hộ dân chịu ảnh hưởng của dự án ở Tổ dân phố Quang Trung, phường Đông Hương đang sống trong cảnh vô cùng khó khăn.
Chưa làm rõ được cơ chế tài chính
Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo TP Thanh Hóa cho biết, đến nay, nhà đầu tư đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, với khoảng 80% khối lượng. Mặt bằng cũng được chủ đầu tư chia lô bán từ nhiều năm trước, các hộ dân đã xây nhà ở.
Diện tích còn lại hơn 30.000m2 chưa xong giải phóng mặt bằng. Số hộ bị ảnh hưởng là 86 hộ (cả 2 hộ tách khẩu-PV), dự kiến kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 173 tỷ đồng.
Theo vị lãnh đạo này, lý do là năm 2004, tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Bình Minh nhưng không bố trí quỹ đất tái định cư.
Năm 2012, UBND tỉnh mới điều chỉnh quy hoạch và bố trí 3.400m2 (tương đương 35 lô), giao cho nhà đầu tư thực hiện. Đến năm 2021, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều chỉnh, bố trí 210 lô đất tái định cư.
Tuy nhiên, khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng đất tái định cư theo quy định phải do nhà nước thực hiện, nên giữa các bên chưa có sự thống nhất.
“UBND TP Thanh Hóa đã kiến nghị chủ tịch tỉnh xem xét giao cho UBND thành phố tiếp nhận phần diện tích đất tái định cư dự án theo điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt (gồm 210 lô đất) để triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất tái định cư cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư phần diện tích còn lại của dự án”, vị lãnh đạo cho hay.
Chia sẻ với PV, đại diện chủ đầu tư - Công ty xây dựng Bình Minh cho biết, ngày 15/12/2023, công ty họp với UBND TP Thanh Hóa và đã thống nhất giao lại diện tích 15.700m2 cho thành phố đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời số hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án.
“Diện tích đất xây dựng tái định cư nằm trong tổng thể đất dự án đã được Công ty xây dựng Bình Minh chi tiền giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có văn bản phê duyệt cơ chế tài chính, hoàn trả lại kinh phí cho chủ đầu tư. Công ty đã nhiều lần có văn bản gửi tỉnh về vấn đề này nhưng vẫn chưa có câu trả lời”, đại diện công ty nói.
Lãnh đạo TP Thanh Hóa thừa nhận, Công ty Xây dựng Bình Minh đã đồng ý giao toàn bộ quỹ đất tái định cư cho thành phố. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa chưa có quyết định hoàn trả tài chính cho chủ đầu tư nên thành phố chưa có cơ sở để tiếp nhận.
“Vấn đề này đã tồn tại lâu nay. Để đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người dân, trước mắt thành phố và UBND tỉnh Thanh Hóa nên khoanh vùng vị trí các nhà dân bị ảnh hưởng, cho phép họ được sửa chữa, nâng cấp nhà ở. Khi nào tỉnh và phía công ty thống nhất được thì tiếp tục triển khai dự án”, vị lãnh đạo này đề xuất.
Sau nhiều năm người dân chờ đợi, phản ánh bức xúc, đến giữa tháng 9 vừa qua, tỉnh Thanh Hoá mới có văn bản giao UBND TP Thanh Hoá phối hợp với các đơn vị liên quan và Công ty Xây dựng Bình Minh khẩn trương thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tiếp nhận, quản lý sử dụng đối với quỹ đất trên.