"Siêu" dự án du lịch thu hút nhà đầu tư

Cuối tháng 8/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.

Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/3/2021 theo Quyết định số 439 với quy mô khoảng 52.200 ha. Đây được ví là “siêu” khu du lịch cấp Quốc gia của vùng trung du miền núi phía Bắc.

{keywords}
Hồ Hòa Bình là hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á.  

Việc phát triển hồ Hòa Bình thành Khu du lịch Quốc gia cũng là nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

Theo bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, trong thời gian gần đây, hoạt động trên Khu du lịch hồ Hòa Bình đã đạt được kết quả quan trọng.

Trước đó, tỉnh đã có Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 22/6/2017 về phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch Quốc gia. UBND tỉnh cũng đã ban hành Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch Quốc gia theo Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 04/6/2018.

Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, đặc biệt là nâng cấp và mở rộng tuyến đường 435 lên vịnh Ngòi Hoa, vùng lõi của Khu du lịch hồ Hòa Bình. Một số dự án du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao được đầu tư xây dựng đã đi vào hoạt động. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch được nâng lên.

Đến thời điểm hiện tại, Khu du lịch có trên 200 phương tiện tàu thuyền vận chuyển khách; 107 cơ sở lưu trú, trong đó có 14 khách sạn, 32 nhà nghỉ, 61 nhà nghỉ cộng đồng với 1.383 buồng; thu hút  hơn 1.200 lao động, bao gồm 721 lao động trực tiếp và trên 500 lao động gián tiếp.

Năm 2019, Khu du lịch hồ Hòa Bình đón 550.000 lượt khách, chiếm khoảng 17,7% trên tổng khách toàn tỉnh; trong đó có 26.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 160 tỷ đồng, chiếm khoảng 7,7% tổng thu từ hoạt động du lịch toàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình có kế hoạch tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể:

1. Huy động nguồn lực từ các cấp, các ngành và toàn xã hội xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình bước đầu đáp ứng các điều kiện trở thành Khu du lịch Quốc gia vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt các điều kiện trở thành Khu du lịch Quốc gia.

2. Lồng ghép các nguồn vốn, ưu tiên bố trí từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và bến thuyền kết nối các điểm du lịch. Quan tâm công tác đảm bảo an ninh trật tự, xử lý môi trường, thu gom rác thải, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn.

3. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Phát triển nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng và tạo nhiều sản phẩm dịch vụ bổ trợ cho khách du lịch. Xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch.

4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong đầu tư, quản lý, phát triển hoạt động du lịch. Tăng cường giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch.

5. Tăng cường thông tin tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai có hiệu quả trang thông tin điện tử du lịch thông minh… để quảng bá cho Khu du lịch hồ Hòa Bình.

6. Nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý về du lịch. Chú trọng phát triển, đào tạo và bồi dưỡng chất lượng nguồn nhân lực.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết thêm, hiện tỉnh Hòa Bình chưa có cơ chế chính sách riêng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, tỉnh đã tham mưu Chính phủ ban hành Quy hoạch xây dựng chung Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 để thực hiện công tác quản lý, xây dựng thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Tỉnh đã tập trung triển khai dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng như: Nâng cấp tuyến đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh và Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc lên vùng lõi của Khu du lịch hồ Hòa Bình; xây dựng mới cảng du lịch Ngòi Hoa, xây dựng đường nội bộ tại một số điểm du lịch, điểm di tích…

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư về hạ tầng của Khu du lịch như: Nâng cấp cảng du lịch Thung Nai, Bãi Sang; xây dựng mới các bến thuyền, hoàn thiện các tuyến kết nối với khu du lịch ở Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, TP. Hòa Bình; xây dựng mới tuyến đường dọc theo ven hồ kết nối đến các địa điểm được quy hoạch thành khu nghỉ dưỡng…

Một số địa phương đã thành lập đoàn công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai và đi vào hoạt động. Tỉnh Hòa Bình cũng phân công các lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm, trong đó có một số dự án đầu tư du lịch trên Khu du lịch hồ Hòa Bình.

Việc giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực du lịch đạt mức độ 3 và 4 luôn đảm bảo kịp thời, đúng thời gian; tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho các nhà đầu tư.

Tạo dựng thương hiệu tầm quốc tế

"Tỉnh Hòa Bình có những kế hoạch cụ thể nhằm thu hút du khách trong khu vực và quốc tế với điểm nhấn là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp", bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định. 

{keywords}
Bến thuyền trên hồ Hòa Bình phục vụ du khách thăm quan, ngắm cảnh. 

Trong đó, tập trung khai thác lợi thế mặt nước hồ, cảnh quan, hệ sinh thái, văn hóa Mường để phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình bền vững theo hướng xanh, sạch, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường. Từ đó tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch, góp phần tạo dựng thương hiệu của khu du lịch.

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, mời các tập đoàn lớn, có thương hiệu đẳng cấp quốc tế về tỉnh đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp quy mô lớn để phục vụ khách du lịch.

Tăng cường chính sách hỗ trợ đầu tư, khai thác tiềm năng, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, vui chơi giải trí để thu hút doanh nghiệp. 

Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tỉnh Hòa Bình đã triển khai kế hoạch hợp tác với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc và Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để kết nối tour, tuyến, xây dựng các chương trình du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đồng thời, phát triển thị trường khách du lịch, khai thác thị trường khách nội địa và thị trường quốc tế tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ, ASEAN và các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc.  

Minh Phúc