Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng - chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29 tháng 3, cho biết, đến tháng 2/2025 mới có thể khởi công thực hiện được dự án.

Lý do chậm trễ là bởi việc tìm chỗ đổ bùn nạo vét lòng hồ mất nhiều thời gian. 

Công viên 29 tháng 3 có diện tích mặt hồ hơn 106.000m2, là hồ điều tiết lớn nhất trung tâm TP Đà Nẵng, dự kiến khối lượng bùn nạo vét lòng hồ lên tới 115.000m3. Ban đầu, chủ đầu tư định chuyển toàn bộ khối lượng bùn nạo vét của dự án chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn nhưng không phù hợp. 

W-0d411d34a44c1d12445d.jpg
Thời gian qua, chủ đầu tư gặp khó trong việc tìm nơi đổ bùn khi nạo vét lòng hồ Công viên 29 tháng 3. Ảnh: Diệu Thuỳ

Sau thời gian loay hoay tìm chỗ, Sở TN&MT Đà Nẵng đã chọn được 2 vị trí tiếp nhận đáp ứng yêu cầu, không gây ô nhiễm môi trường, gồm vị trí mỏ đá xây dựng Hố Chuồn (xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang) và Kho K83/Cục Kỹ thuật Binh chủng Công binh (tổ 69, phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu).

"Dự án đã được thành phố phê duyệt, Ban quản lý dự án đang tổ chức lập hồ sơ thiết kế triển khai trình thẩm định, phê duyệt sau đó mới tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công", lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho hay.

Theo UBND TP Đà Nẵng, Công viên 29 tháng 3 là lõi xanh trung tâm thành phố nhưng đang bị xuống cấp, khu vườn thú gây ô nhiễm, khu vui chơi nghèo nàn. Cây xanh nhiều nhưng chưa phát huy được vẻ đẹp cũng như độ che phủ cho một công viên.

W-w cong vien8 1 1622.jpeg
Nhiều hạng mục phục vụ vui chơi của người dân tại Công viên 23 tháng 9 đã xuống cấp, hư hỏng, nhếch nhác. Ảnh: Hồ Giáp

Ngoài ra, hệ thống nước thải của các khu dân cư xung quanh vẫn xả thẳng vào hồ làm nước bị ô nhiễm, bốc mùi thường xuyên gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới hình ảnh công viên và sinh hoạt thường ngày của người dân. 

Dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29 tháng 3 được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7/2023 với tổng mức đầu tư hơn 673 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách. Trong đó, kinh phí xây dựng hơn 271 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 297 tỷ đồng, chi phí thiết bị hơn 28 tỷ đồng và một số chi phí khác. 

Dự án sẽ triển khai xây lắp mới công trình kiến trúc chiếc nhẫn hoà bình; cải tạo, nâng cấp, làm mới đường dạo, lối đi, cổng Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, khu thể dục thể thao, bãi đậu xe; di dời điều chỉnh và trồng mới, bổ sung cây xanh,... Việc nâng cấp hạ tầng, kiến trúc cảnh quan công viên sẽ tạo điểm nhấn xanh của trung tâm thành phố, đáp ứng hoạt động công cộng của người dân.