3-dung.jpg
Học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ đông tại các điểm truy cập của Dự án.

"Internet giúp em tìm được rất nhiều tài liệu để ôn thi và thông tin về các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Nhiều người khác cũng đến đây cũng được cập nhật thông tin, đó là chia sẻ của bạn Lê Phương Thảo, sinh viên K18, trường Đại học Hà Tĩnh trong lần gặp tại Thư viện tỉnh Hà Tĩnh và cũng là ý kiến của nhiều người dân nơi đây.

Nhờ có máy tính và Internet, họ có thể tìm được những thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, làm việc, hay đơn giản hơn là giải trí, cập nhật tin tức hàng ngày. Với sự phát triển không ngừng của CNTT, nhu cầu thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân đang thay đổi mạnh mẽ - phải nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Tuy nhiên, đối với người dân ở khu vực nông thôn, việc đáp ứng nhu cầu thông tin này hiện vẫn còn khoảng cách khá lớn so với thành thị.

Trên thực tế, việc đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân vẫn chưa được như mong muốn, nhất là ở tuyến huyện và tuyến xã do cơ sở hạ tầng, thiết bị ở các TVCC/BĐVHX còn nghèo nàn, các tài liệu chủ yếu là văn bản dạng giấy, còn sơ sài và không cập nhật liên tục, việc ứng dụng CNTT vào các dịch vụ còn hạn chế… Theo một khảo sát được thực hiện trong năm 2012 tại 16 tỉnh/thành phố, chỉ có 18,8% TVCC huyện cung cấp dịch vụ máy tính và 1,3% cung cấp dịch vụ Internet. Tại TVCC xã, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều khi chỉ có 5,9% TVCC cung cấp dịch vụ máy tính. Trong khi đó, ở các BĐVHX, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ máy tính và Internet cũng chỉ đạt 14,8%.

Trước những bất cập đó, một tầm nhìn mới đang được xây dựng cho sự phát triển của TVCC và BĐVHX. Theo đó, trong tương lai, TVCC sẽ trở thành những “Trung tâm thông tin, học tập, văn hóa hữu ích, thân thiện và bình đẳng, tạo điều kiện cho việc học tập suốt đời của người dân địa phương”, còn BĐVHX cũng sẽ trở thành “Trung tâm thông tin cộng đồng và ngôi nhà văn hóa chung cho người dân ở vùng nông thôn, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của mọi người dân nông thôn”.

Tầm nhìn mới và nhiệm vụ mới của TVCC và điểm BĐVHX đang được hiện thực hóa bằng nỗ lực chung: sự chỉ đạo và đầu tư của chính quyền địa phương các cấp; chính sách phát triển ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông; hỗ trợ tài chính và chuyên gia của Quỹ BMGF cùng nỗ lực của chính bản thân các TVCC, điểm BĐVHX. 

Thông qua việc cung cấp, lắp đặt máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và thiết bị phụ trợ, cũng như đào tạo kỹ năng cho cán bộ quản lý, nhân viên của các TVCC và điểm BĐVHX, dự án BMGF VN sẽ giúp nâng cao năng lực phục vụ và cách thức cung cấp thông tin qua máy tính và Internet tại các TVCC, điểm BĐVHX. Nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các dịch vụ tại TVCC/BĐVHX được đổi mới căn bản như truy nhập máy tính công cộng, cung cấp thông tin, hỗ trợ học tập, văn hóa giải trí... Những đổi thay bước đầu đã được ghi nhận tại nhiều địa phương triển khai dự án, người dân địa phương đón nhận. Anh Nguyễn Phát Lợi (xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết: Từ ngày có Internet ở BĐVHX, người dân thấy tiện lợi hơn. Máy tính tốt, chi phí thấp, đi lại thuận tiện nên khi cần thông tin gì là chúng tôi đến đây để tìm kiếm”.

Đến thời điểm này, Dự án đã triển khai hơn 600 điểm thư viện các cấp tỉnh, huyện, xã và BĐVHX tại 12 tỉnh tham gia dự án bước 1 là Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Theo thống kê trong quý I/2013, tỉ lệ sử dụng máy tính và truy cập Internet tại các TVCC tỉnh là 4,8 giờ/điểm/ngày; tại BĐVHX là 6,7 giờ/điểm/ngày; Tổng thời gian truy cập là 330.000 giờ.

Đặc biệt ở các tỉnh càng khó khăn, số người có nhu cầu sử dụng máy tính và truy nhập Internet càng nhiều. Hà Giang có hơn 4.100 lượt người đến sử dụng dịch vụ. Sóc Trăng (một tỉnh miền Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn) có số người sử dụng dịch vụ nhiều nhất với hơn 6.000 lượt người. Theo ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án, để phát huy hiệu quả của những trang thiết bị đã được lắp đặt, Dự án đang tổ chức các hoạt động truyền thông thiết thực đồng thời hướng dẫn cho người dân cách thức sử dụng máy tính và Internet hiệu quả, giúp người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích mà CNTT có thể mang lại, trong đó có việc đưa TVCC/BĐVHX trở thành điểm đến không thể thiếu với người dân nông thôn với vai trò là “Trung tâm thông tin, học tập và văn hóa tại địa phương”.