“Bài toán” về cơ sở y tế ở TP.HCM
Trong chiến lược phát triển, TP.HCM đã đặt trọng tâm việc sẽ phát triển các khu đô thị cửa ngõ theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính.
Bên cạnh quy hoạch vùng, TP.HCM cũng đang triển khai chương trình mang tên đô thị vệ tinh. Theo đó, đến năm 2025, sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các khu đô thị vệ tinh theo bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc.
Nếu khu vực trung tâm thành phố đã dần bão hòa, khan hiếm về quỹ đất, thì tại các khu đô thị vệ tinh vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển. Hàng loạt chủ đầu tư bất động sản đã tận dụng khai thác tại các khu vực, xây dựng các dự án đô thị nhà ở chất lượng, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng chuẩn sống cho cư dân. Bên cạnh đó, nhu cầu về trường học và y tế cũng có những quy hoạch phát triển song song, đáp ứng nhu cầu của người dân tại khu vực và các tỉnh lân cận.
Hiện các cơ sở bệnh viện khám chữa bệnh của thành phố chủ yếu tập trung tại các quận nội thành nên không có điều kiện mở rộng quy mô. Trong khi đó, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, nhất là lượng người dân từ các tỉnh đổ về các bệnh viện thành phố để khám chữa bệnh ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải thường xuyên tại các bệnh viện. Do vậy, thành phố nghiên cứu xây dựng đề án Quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh tại TP.HCM.
Theo đó, thành phố sẽ xây dựng 4 cụm bệnh viện liên hoàn tại các khu vực cửa ngõ Đông, Tây, Nam, Bắc, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Việc quy hoạch chi tiết, dài hạn theo đề án trên sẽ tạo niềm tin và điều kiện thuận lợi để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực y tế.
Nếu như khu vực phía Tây và Bắc của TP.HCM đã có các bệnh viện (BV) tư quy mô lớn thì tại khu vực phía Đông vẫn chưa được đầu tư, trong khi mật độ dân số tại khu vực này lại đông đúc hơn. Nhu cầu khu vực cũng rất cao, không chỉ ở dân cư nội tại mà còn đến từ những tỉnh lân cận, và các khu vực chuyển tiếp như ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung đổ vào.
Một điểm sáng phía Đông
Không nằm ngoài xu thế phát triển đô thị, sắp tới đây một dự án bệnh viện đa khoa theo tiêu chuẩn khách sạn cao cấp, hiện đại, chất lượng cao sẽ được đưa vào hoạt động tại cửa ngõ phía Đông thành phố. Đó chính là dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức do Tập đoàn Xây Dựng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Phú Thọ ( Phú Thọ Group ) và Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ hợp tác xây dựng, với quy mô đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
Khi nhu cầu thăm khám và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng khu vực tăng cao, khi bài toán quá tải cho các bệnh viện tuyến trên còn đang bỏ ngỏ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức ra đời như một điểm sáng phía Đông, giúp hoàn thiện quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh tại các khu đô thị vệ tinh thành phố.
Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các đơn vị y tế mà còn tránh được tình trạng ùn tắc giao thông của TP.HCM rơi vào hàng chục ngàn lượt người lưu thông mỗi ngày ở các cung giờ cao điểm là thời gian đi làm và tan sở của các cơ quan, đơn vị nhà trường, doanh nghiệp…
Đại diện Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức chia sẻ: "Với quy mô 500 giường bệnh theo quy chuẩn, 16 chuyên khoa bao gồm: Khoa khám bệnh, khoa cấp cứu, khoa xét nghiệm, khoa nội soi, khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa thăm dò chức năng, khoa phẫu thuật, khoa phụ sản, khoa nội tổng hợp, liên chuyên khoa mắt - răng hàm mặt - tai mũi họng, khoa nhi, khoa ngoại tổng quát, khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng …
Ngoài ra bệnh viện còn có các chuyên khoa sâu mũi nhọn: ngoại chấn thương chỉnh hình, ung thư, tim mạch... với trang thiết bị đồng bộ hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người dân khu vực TP.HCM và vùng lân cận".
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức được khởi công xây dựng từ năm 2018, dự kiến cuối năm 2019 bệnh viện sẽ đi vào hoạt động.
Lệ Thanh