Xây dựng Chính quyền điện tử theo mô hình mới
Hôm qua, ngày 19/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nghi thức bấm nút đưa Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của tỉnh Đồng Tháp chính thức đi vào hoạt động.
Lễ khai trương hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh Đồng Tháp là một phần trong Hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra cùng ngày tại TP.Cao Lãnh thu hút sự tham gia của hơn 500 nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh Đồng Tháp đã được xây dựng một cách đồng bộ đi đôi với tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, nhằm phục vụ cho các cơ quan nhà nước, các cơ quan trực thuộc ngành dọc của Trung ương và cộng đồng doanh nghiệp CNTT&TT trên địa bàn toàn tỉnh, Đồng Tháp cần có một hạ tầng CNTT- viễn thông đủ mạnh để triển khai các ứng dụng chính phủ điện tử, thương mại điện tử, các ứng dụng một cửa, các thủ tục hành chính công, thông tin giáo dục - đào tạo, y tế, tài nguyên - môi trường, các khu công nghiệp, du lịch...
Thông qua Cổng giao tiếp điện tử (Portal), các Cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh Đồng Tháp có thể trực tiếp tiếp xúc và vận động, thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh; Các doanh nghiệp trong tỉnh có thể phát triển các ứng dụng hay cung cấp các dịch vụ cho các đối tác nước ngoài, hợp tác phát triển ứng dụng dựa trên nền tảng hệ thống lớn; Tạo điện kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các thủ tục hành chính, mang lại cho người dân nhiều lợi ích hơn (như thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục thuế …).
Như vậy, với một hệ thống chính quyền điện tử đồng bộ, thông suốt theo các cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) việc giao tiếp giữa người dân, doanh nghiệp bên ngoài đến chính quyền được thực hiện một cách nhanh chóng, tiện lợi. Cán bộ công chức, viên chức có thể nhanh chóng tiếp nhận yêu cầu, xử lý yêu cầu của người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, dễ dàng và việc quản lý hồ sơ trở nên nhẹ nhàng, tiện dụng hơn. Việc tìm kiếm, báo cáo thống kê số liệu cũng trở nên đơn giản và nhanh chóng, tiết kiệm được công sức cũng như thời gian...
Đặc biệt, việc lưu trữ cơ sở dữ liệu dùng chung đồng bộ và thống nhất tránh trường hợp phân mảnh nhỏ lẻ, không đồng nhất dữ liệu do việc cập nhật không đồng đều hiện nay. Các hệ thống dùng chung cũng được tích hợp đồng nhất vào trong nền tảng chính quyền điện tử giúp cho cán bộ, công chức làm việc đơn giản, dễ dàng hơn hướng tới Chính quyền số để phục vụ cho định hướng phát triển Kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Tháp.
Thiết lập hệ sinh thái số cho chính quyền Đồng Tháp
Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ DTT cho biết, từ sau khi thực hiện thành công chính quyền điện tử cho Đà Nẵng, DTT đã chủ trương tiếp cận các địa phương, ngành có nhu cầu phát triển, ứng dụng CNTT một cách thực chất, mang lại hiệu quả lớn.
Sau Đà Nẵng, DTT đã triển khai chính quyền điện tử tại hàng loạt các bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Cổng người dân của Văn phòng Chính phủ hay Hải Phòng, Bắc Ninh và lần này là Đồng Tháp. “Những đơn vị này có điểm chung là có quyết tâm ứng dụng CNTT để góp phần chuyển đổi kinh tế - xã hội. Ví dụ, Bắc Ninh ứng dụng chính quyền điện tử để đón đầu Cách mạng công nghiệp 4.0, chuẩn bị cho đô thị thông minh”, ông Trung chia sẻ.
Nhận định Đồng Tháp là tỉnh tương đối xa xôi, ứng dụng CNTT sẽ phát huy tốt nếu được dùng để thay thế các kết nối vật lý (đường sá đi lại), vì thế DTT đã cùng Đồng Tháp triển khai xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh không giống như ở các nơi khác. Chính quyền điện tử Đồng Tháp hướng tới xúc tiến đầu tư, phát triển nông nghiệp và các ngành tiềm năng khác.
Ông Trung nhấn mạnh: “Với sự quyết tâm của chính quyền Đồng Tháp, chúng tôi sẽ cùng tạo ra một hệ sinh thái số, trong đó chính quyền điện tử là thành phần quan trọng hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái này một cách hiệu quả”.
Người đứng đầu Công ty DTT cũng cho biết, trong giai đoạn 1 - năm 2017, hệ thống chính quyền điện tử Đồng Tháp được triển khai gắn liền với các lĩnh vực, cung cấp cho người dân một cửa liên thông hiện đại cũng như các dịch vụ công cần thiết. Ngay sau khi chính quyền điện tử tỉnh Đồng Tháp, hệ thống cung cấp một số chức năng. Theo đó, mỗi người dân có một tài khoản và trên tài khoản duy nhất này, họ có thể sử dụng các dịch vụ. Qua đó, cơ quan nhà nước sẽ hiểu được người dân, doanh nghiệp cần gì để đáp ứng. Đây là bước đầu tiên của hệ thống.
Trong giai đoạn tiếp theo, UBND tỉnh Đồng Tháp và DTT sẽ phát triển chính quyền điện tử hướng theo chính quyền số, các bộ dữ liệu và phục vụ doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư ở Đồng Tháp, doanh nghiệp nông nghiệp, dược phẩm, khởi nghiệp. “Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ liên tục đo đạc phản hồi của người dân, doanh nghiệp để điều chỉnh, phát triển các dịch vụ công tiếp theo. Ngoài ra, theo đặt hàng của chính quyền Đồng Tháp, chúng tôi có thể phát triển những cấu phần của chính quyền điện tử như hệ thống dữ liệu, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp muốn gắn vào chuỗi nông nghiệp toàn cầu…”, ông Trung cho hay.