STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là việc trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học.
Từ ngày 5 - 8/3/2016, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia - ViSEF 2016 khu vực phía Bắc được tổ chức tại TP.Hải Phòng với một không gian trưng bày đề tài đậm chất khoa học.
Theo thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi, năm nay khu vực phía Bắc có 36 đơn vị tham gia bao gồm 31 Sở GD&ĐT và 5 trường THPT. Tổng số dự án dự thi là 234 dự án trong đó cấp THPT là 173 dự án với 316 học sinh; cấp THCS là 61 dự án với 111 học sinh. Các đề tài được dự thi ở 20 lĩnh vực khoa học kỹ thuật và được các học sinh trưng bày, giới thiệu và thuyết trình kết quả nghiên cứu của mình tại cuộc thi. Ban giam khảo đã chấm điểm theo từng lĩnh vực với nhiều tiêu chí về phương pháp nghiên cứu, cách thức tiến hành nghiên cứu, tính sáng tạo của dự án và cách trình bày dự án.
Trong số 234 dự án tham dự cuộc thi ViSEF 2016 khu vực phía Bắc, có rất nhiều dự án về các đề tài CNTT như: phần mềm hệ thống, phần mềm nhúng, xử lý dữ liệu, ngôn ngữ lập trình, máy thông minh, máy sinh học, các hệ thống giám sát điều khiển.... Những đề tài này đã được Công ty DTT Eduspec lựa chọn chấm giải theo tiêu chí riêng về vận dụng STEM trong khoa học kỹ thuật và được trao các giải thưởng trong buổi lễ trao giải tại cuộc thi ViSEF năm nay.
Cụ thể, các giải thưởng được trao bởi DTT Eduspec tại ViSEF 2016 gồm: giải Ứng dụng Nông nghiệp thông minh với đề tài “Giám sát điều khiển môi trường trong nuôi trồng thủy sản” của học sinh THPT Đào Duy Từ, Thái Nguyên; giải Ứng dụng IOT trong Cuộc sống với dự án “Smarthome cho các gia đình nông thôn Việt Nam” của học sinh trường THPT Đầm Hà, Quảng Ninh; giải Ứng dụng trò chơi ảo với dự án “Tìm hiểu và quảng bá về khu di tích lịch sử Đền Hùng qua mô hình ảo trên trò chơi Minecraft” của học sinh THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ; và giải Ứng dụng IOT trong nông nghiệp với đề tài: “Máy ươm trồng rau màu thông minh”.
Ngoài ra, còn có 5 giải ý tưởng sáng tạo được trao cho các đề tài của các em học sinh Hải Phòng, đó là đề tài: “Thiết bị định vị và cảnh báo cháy ở khu dân cư” của học sinh THPT Ngô Quyền; các đề tài “Hệ thống cảnh báo dầu loang và các thông số CO2, NOx gây ô nhiễm môi trường tại cảng biển”và “Xây dựng hệ thống thông tin và bản đồ nghĩa trang liệt sỹ bằng công nghệ Augmented Reality” của học sinh THPT chuyên Trần Phú; các đề tài “Xây dựng phần mềm kiểm kê khí nhà kính phát sinh từ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt” và “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tự động tiết kiệm điện cho trường học” của học sinh THPT Thái Phiên.
Các giải thưởng khoa học kỹ thuật được trao đều là những đề tài có tính thực tiễn và những nghiên cứu khoa học của các em xoay quanh các vấn đề của cuộc sống, vận dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ để xây dựng các dự án thiết thực phục vụ con người trong đời sống xã hội.
Những đề tài vận dụng STEM khu vực phía Nam xuất sắc nhất sẽ được tiếp tục được cập nhật sau khi cuộc thi diễn ra tại Đồng Nai từ ngày 12-15/3 tới. Các giải thưởng này sẽ được trao bởi Công ty Cổ phần DTT Eduspec - đối tác giáo dục của Intel tại Việt Nam, hai bên thống nhất sẽ triển khai các chương trình giáo dục phát triển kỹ năng khoa học kỹ thuật nhằm xã hội hóa giáo dục STEM cho học sinh cả nước.