DJI là hãng sản xuất drone trụ sở Trung Quốc, chiếm hơn 50% thị phần tại Mỹ. Công ty này cho biết, lệnh chặn do hải quan Mỹ cáo buộc quá trình sản xuất drone có “sử dụng lao động cưỡng bức”.
Thương hiệu drone Trung Quốc đã cung cấp cho phía hải quan các tài liệu chứng minh họ tuân thủ quy định và khẳng định không sử dụng bất kỳ lao động cưỡng bức trong bất kỳ khâu sản xuất nào.
Đại diện DJI nhận định, động thái của hải quan Mỹ “có thể là một phần trong kế hoạch rộng hơn của Bộ An ninh Nội địa nhằm thắt chặt kiểm soát nguồn gốc sản phẩm”.
Đồng thời, công ty Trung Quốc nói rằng những cáo buộc là "vô căn cứ và hoàn toàn sai sự thật, nhưng luật pháp trao cho họ thẩm quyền giữ lại hàng hóa mà không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào".
Các nhà lập pháp Mỹ đã nhiều lần nêu lên mối lo ngại về việc máy bay không người lái DJI cũng gây ra rủi ro về truyền dữ liệu, giám sát và an ninh quốc gia.
Tháng trước, Hạ viện đã thông qua dự thảo luật cấm các máy bay không người lái mới của DJI hoạt động tại Mỹ. Dự luật này đã được đưa lên Thượng viện xem xét.
Bộ Thương mại cho biết họ đang thu thập ý kiến về khả năng áp dụng hạn chế đối với drone do Trung Quốc sản xuất, về cơ bản là lệnh cấm tương tự như đề xuất đối với xe hơi.
"Chúng tôi đang xem xét các máy bay không người lái có thiết bị, chip và phần mềm của Trung Quốc và Nga", Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói với CNBC.
Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định, việc cấm DJI có thể dẫn đến chi phí tăng cao và thiếu hụt sản phẩm cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.
Chẳng hạn, Floria đã phải chi thêm 25 triệu USD để thay thế các drone DJI bằng các dòng sản phẩm đắt đỏ hơn từ các nhà sản xuất khác.
DJI ước tính tổng tác động kinh tế của lệnh cấm có thể lên đến 116 tỷ USD do ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chi phí gia tăng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như tác động tiêu cực đến hoạt động cứu hộ và ứng phó khẩn cấp.
(Theo CNBC, Yahoo Tech)