Nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, đẩy mạnh tái chế
Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam) là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp đổi mới, sáng tạo, có mặt tại Việt Nam từ năm 1995. Năm 2022, Dow kỷ niệm 125 năm thành lập, đánh dấu 27 năm có mặt tại Việt Nam, với tầm nhìn chiến lược trở thành công ty khoa học vật liệu đổi mới, sáng tạo, lấy khách hàng làm trung tâm, hòa nhập và bền vững nhất trên thế giới.
Để thực hiện tầm nhìn này tại Việt Nam, theo ông Ekkasit Lakkananithiphan - Tổng giám đốc Dow Việt Nam, Dow hướng tới các nhiệm vụ trọng tâm:
- Bảo vệ khí hậu với kế hoạch hành động hướng đến trung hòa các-bon vào năm 2050; cam kết áp dụng và liên tục cải tiến công nghệ để sản xuất các sản phẩm bằng cách sử dụng ít tài nguyên hơn. Đến năm 2030, Dow sẽ giảm lượng khí thải carbon ròng hàng năm xuống 5 triệu mét tấn so với mức cơ bản năm 2020 (giảm 15%). Đến năm 2050, kế hoạch của Dow là trở thành doanh nghiệp trung hòa carbon (Phạm vi 1 + 2 + 3).
- Cam kết Không rác thải: chú trọng hợp tác đầu tư vào các công nghệ và cơ sở hạ tầng để nhanh chóng đẩy mạnh đáng kể việc tái chế trên toàn cầu. Mục tiêu: Đến năm 2030, 1 triệu tấn rác thải nhựa sẽ được thu gom, tái sử dụng hoặc tái chế thông qua hành động trực tiếp của Dow và các đối tác.
- Khép kín vòng tuần hoàn: Dow cam kết tái thiết kế quy trình sản xuất và thúc đẩy việc tái sử dụng hoặc tái chế các sản phẩm sử dụng bao bì đóng gói nhựa. Đến năm 2035, Dow sẽ tạo ra vòng tuần hoàn khép kín bằng cách thúc đẩy 100% sản phẩm của Dow trên thị trường có thể tái sử dụng hoặc tái chế.
Các sản phẩm của Dow là đầu vào thiết yếu cho nhiều ngành công nghiệp phụ trợ và hạ nguồn tại Việt Nam. Vì thế, Dow cũng đặc biệt quan tâm đến các các giải pháp bền vững mang tới một tương lai các-bon thấp. “Chúng tôi cam kết làm việc với các bên liên quan để tìm cách khuyến khích phát triển và thương mại hóa các sản phẩm và công nghệ các-bon thấp nhằm giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu và đảm bảo rằng các công ty có thể tính toán cho các mức giảm khí nhà kính đó”, Tổng giám đốc Dow Việt Nam nói.
Ông Ekkasit Lakkananithiphan phân tích: Chi phí môi trường của các vật liệu thay thế cho nhựa lớn hơn 4 lần chi phí môi trường cho nhựa. Nhựa có trọng lượng nhẹ cung cấp cho dân số ngày càng tăng trên thế giới khả năng tiếp cận nhiều hơn tới thực phẩm tươi sống, nước uống an toàn và thuốc. Nó làm giảm đáng kể sự hư hỏng của thực phẩm và rác thải, đồng thời cung cấp nguyên liệu hợp vệ sinh cho ngành chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển của các sản phẩm nhựa. Các công ty như Dow đang làm việc với các đối tác để việc tái chế trở nên phổ biến hơn, các sản phẩm có thể tái chế dễ dàng hơn và phát minh ra ứng dụng quan trọng mới.
Có thể kể đến Vật liệu Polyethylene tiên tiến của Dow cho phép các công ty sử dụng ít vật liệu đóng gói hơn thông qua "giảm độ dày đóng gói" - giảm lượng khí thải carbon của thế giới ước tính khoảng 25 triệu tấn.
Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa
Ngày 28/2/2022, Hội thảo “Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam” được tổ chức dưới hình thức trực tuyến bởi Hợp tác Công - Tư Quản Lý Rác Thải Nhựa bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam).
Trước đó, ngày 19/2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp đã tiên phong đề xuất sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.
Dự án triển khai với 4 nhiệm vụ: Phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa; Truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động từ người dân; Áp dụng công nghệ - đổi mới và giải pháp tái chế trong quản lý rác thải nhựa; Đối thoại, xây dựng chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.
Không Rác thải trên Sông Mekong:
Dự án nhằm tạo ra hệ thống quản lý rác thải dưới nước bao gồm cả rác thải nhựa và chất thải hữu cơ ở chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn ở TP. Cần Thơ. Dow sẽ khởi động dự án này vào tháng 4/2022 cùng UBND TP. Cần Thơ và một số đối tác để tạo ra giá trị kinh tế cho rác thải và tạo ra một mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh.
Đây là một trong những dự án điển hình của Hợp tác Công-tư. Thông qua sự hợp tác này, kết quả và bài học chính của dự án sẽ được chia sẻ và cập nhật cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm ví dụ điển hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Đây cũng là thông lệ tốt nhất cho cơ chế triển khai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) sắp tới.
Đáng chú ý, kết quả của dự án sẽ góp phần vào mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là giảm lần lượt 50% và 75% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 2030 trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa trên đại dương đến năm 2030.
Đường nhựa tái chế: Dow đã hoàn thiện thành công 200m đường nhựa đầu tiên tại Việt Nam sử dụng rác thải nhựa tái chế từ 1,3 triệu tấn rác bao bì nhựa dẻo giá trị thấp thành vật liệu xây dựng đường.
Dọn sạch bãi biển: Hợp tác với chính quyền địa phương, các trường đại học, khách hàng và các đối tác, Dow Việt Nam đã tổ chức chương trình #PullingOurWeight trên nhiều tỉnh thành Việt Nam với hàng nghìn tình nguyện viên tham gia. Dự án đã truyền cảm hứng cho những người tham gia, gia đình, bạn bè cũng như cộng đồng nói chung nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tích cực thu gom, phân loại rác thải, giảm thiểu lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.
Ngọc Minh