Thời gian qua, vùng đất lạnh giá Siberia thu hút sự chú ý toàn cầu khi liên tục lập kỷ lục nhiệt độ cao; đợt sóng nhiệt gây ra bởi biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ trung bình khu vực này chạm ngưỡng gần 40 độ, chưa kể rừng khu vực nơi đây còn đang cháy. Đó vẫn chưa phải tất cả: cái nóng khiến biển băng ở phía Bắc Siberia, khu vực được các nhà khoa học gọi là nhà máy sản xuất băng Bắc Cực, đang tan dần.
Thực tế, số liệu cho thấy băng phủ trên toàn bộ Bắc Băng Dương, cụ thể ở hai khu vực biển Laptev và biển Barents, thấp ở mức kỷ lục. Nếu chúng tiếp tục tan, ta sẽ lại có một kỷ lục đáng buồn nữa vào tháng Chín tới. Trong tương lai gần, Bắc Cực sẽ thay đổi một cách chóng mặt, khi mà nhiệt độ nơi đây tăng nhanh hơn gấp đôi con số tăng trung bình toàn cầu.
“Chúng ta đang ở giai đoạn giữa trong bài thử nghiệm quy mô lớn này”, Mark Serreze, giám đốc Trung Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia nhận định. Ông giải thích rằng “bài thử nghiệm” kia là một tổ hợp giữa các yếu tố địa phương và toàn cầu khiến băng tan ngày một nhanh.
Một trong những yếu tố đó xuất hiện trong mùa đông vừa rồi. Hồi tháng Hai, một dòng không khí xoáy vùng cực - một vành đai gió khí quyển bao lấy khu vực Bắc Cực - mạnh lên trông thấy. Khi tiếp cận bề mặt Trái Đất, dòng không khí này tạo ra một vùng áp suất có tên Dao động Cực - Arctic Oscillation (AO). Khi AO có chỉ số dương, gió sẽ thổi mạnh về phía Bắc, từ vùng đất liền Siberia ra biển và cùng lúc đó, đẩy băng ra ngoài khơi Bắc Băng Dương.
“Những cơn gió này đẩy băng cũ đi khỏi bờ biển, để lại một lớp băng rất mỏng”, Andrea Lang, trợ lý giáo sư ngành khoa học khí quyển tại Đại học Albany, nói với Motherboard. “Băng mỏng tan và khiến nước biển tiếp xúc với nhiệt độ cao của mùa nóng, biển không còn được lớp băng nhiều năm tuổi che chắn”.
Xuân tới, nắng và nhiệt độ cao hơn khiến băng tan nhanh hơn. Theo một phân tích mới đây của dự án quốc tế World Weather Attribution về ảnh hưởng có thể có của biến đổi khí hậu, sóng nhiệt Siberia “gần như bất khả thi” nếu không có sự tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiệt lên mức đỉnh điểm hồi giữa tháng Sáu vừa qua, khi dải không khí áp suất cao đưa nhiệt độ khu vực thị trấn Verkhoyansk lên mức 37,7 độ C, mức cao kỷ lục trong lịch sử địa phương. Sông băng cũng vì nhiệt độ cao mà dần tan với tốc độ ngày một nhanh.
Dãy áp cao gây nên các đợt sóng nhiệt Siberia đã di chuyển tới phía bắc khu vực trung tâm Bắc Băng Dương, khiến nhiệt độ khu vực này cao hơn khoảng dưới 10 độ C trên mức trung bình. Trong nửa đầu tháng Bảy, nắng nóng đã khiến Bắc Cực mất đi lượng băng khổng lồ mỗi ngày, diện tích lớp băng mất đi tương đương với 42 lần thành phố Hà Nội. Theo lời giám đốc Serreze, đám cháy ở khu vực Siberia tạo thành một lớp tro bụi màu đen phủ lên bề mặt băng, lại càng hấp thu thêm nhiều năng lượng Mặt Trời.
Tới thứ Hai vừa rồi, biển băng gần như biến mất khỏi biển Siberia, mực băng trên toàn Bắc Cực đã tương đương với mực thấp hàng năm thường chỉ xảy ra vào tháng Chín hàng năm (tính trong phạm vi thập niên 90). Mùa băng tan vẫn chưa hết, ta cũng chưa rõ mức băng sẽ xuống thấp mức nào trong tháng Chín này và liệu nó có xô đổ được kỷ lục đáng buồn được lập ra năm 2012.
Nếu như tiết trời Bắc Cực mà nhiều mây hơn trong thời gian tới, việc tan băng “sẽ chậm lại một cách dễ dàng”; nếu thế, hiện tượng này sẽ giống với những gì xảy ra tháng Tám năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn còn một mối lo ngại khác nữa: những cơn bão lớn vùng Bắc Cực lại có khả khiến đánh tan biển băng vốn đang yếu đuối.
Dù rằng biển băng có ra sao trong những tháng cuối 2020, những gì xảy ra năm nay đều đáng chú ý. Phần lớn quá trình hình thành biển băng diễn ra tại vùng bờ biển phía Bắc Siberia, nơi băng sẽ hình thành vào mùa thu và đông rồi tiến dần ra biển. Bởi lẽ hiện tại phần nước lộ thiên quá nhiều, chúng hấp thụ nhiều nhiệt từ Mặt Trời và khiến quá trình hình thành băng chậm lại, rồi sẽ ảnh hưởng tới “vòng tuần hoàn băng” của khu vực.
Rồi khi ảnh hưởng của nhiều năm cộng dồn, sẽ tới lúc biển băng Bắc Cực không còn nguyên hình, mà biến thành mực nước biển dâng ngập nhiều khu vực ven biển trên thế giới.
Theo GenK