7 triệu người suy giảm tuổi thọ hàng năm
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 7 triệu người suy giảm tuổi thọ do không khí ô nhiễm. Trong đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, hoạt động đốt rác thải nhựa là một trong những yếu tố gây ra ô nhiễm môi trường không khí nặng nề nhất bởi chất thải nhựa chứa nhiều chất độc hại tới sức khỏe con người.
Theo nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học Ấn Độ khi khảo sát tình trạng ô nhiễm không khí của thành phố New Delhi (Ấn Độ) đã chỉ ra rằng, thành phố này luôn bị khói bụi bao phủ dày đặc gây hại tới sức khỏe con người, nhưng nghiêm trọng hơn là trong thành phần khói bụi của thành phố có chứa lượng lớn khói thải từ hoạt động đốt rác thải trong đó đa phần là rác thải nhựa.
Theo báo cáo này, New Delhi ô nhiễm rất nhiều so với các thành phố lớn trên thế giới khác vì rác thải nhựa bị đốt chính là nguyên nhân. Việc đốt rác này đến từ thói quen tái chế phế liệu của các cơ sở sản xuất thu mua phế liệu, của người dân tìm kiếm kim loại từ các loại rác thải. Ví dụ, đốt lớp vỏ nhựa của các cuộn dây điện để lấy lõi đồng, nhôm.
Hoạt động đốt rác cũng diễn ra phổ biến ở các làng nghề chuyên thu gom và tái chế phế liệu ở Việt Nam, trong đó rác thải nhựa thay vì được nấu tái chế thì bị đem đốt để lấy kim loại trong quá trình phân tách thủ công. Không khó bắt gặp cảnh người dân đốt rác ở một số làng nghề tái chế tại các địa phương như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vốn được báo chí phản ánh thời gian qua.
Theo TS Đỗ Kim Phúc - chuyên gia môi trường, môi trường không khí ô nhiễm ở nhiều nước đang phát triển hiện nay như Việt Nam là mặt trái của quá trình công nghiệp hóa và sản xuất của người dân. Với công nghệ lạc hậu, rác thải ở nhiều nơi thay vì được phân loại, tái chế đúng cách thì được các cơ sở sản xuất thủ công tái chế theo phương pháp truyền thống như nấu/ đốt khiến lượng lớn khói rác, bụi rác phát tán ra không khí; hoặc nước rác chảy ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm nặng nề, nhất là tại các làng nghề.
Cần chấm dứt việc đốt rác thải nhựa
Về lâu dài, bảo vệ môi trường thông qua những giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa sử dụng một lần nói chung, chấm dứt hoạt động đốt rác thải/ rác thải nhựa nói riêng được coi là giải pháp lâu dài trong việc bảo vệ môi trường, song song với các ý tưởng tái sử dụng các nguyên liệu sáng tạo và thân thiện với môi trường.
Theo chuyên gia Đỗ Kim Phúc, trước mắt khi hoạt động chuyển đổi/ hạn chế rác thải nhựa chưa có nhiều chuyển biến, thì ngăn chặn việc đốt rác thủ công nói chung, rác thải nhựa nói riêng chính là biện pháp trước mắt cần làm ngay. Bởi, đốt rác thải nhựa không chỉ ô nhiễm không khí mà nó còn là tác nhân của rất nhiều loại bệnh tật lây qua đường hô hấp mà người dân sẽ phải gánh chịu lâu dài khi sống chung với ô nhiễm. Ví dụ như ung thư phổi, suy hô hấp, các bệnh về tim mạch…
Giải pháp ở đây là gì? Với các làng nghề, hạn chế tiến tới chấm dứt đốt rác thải nhựa thông qua việc chuyển đổi mô hình/ công nghệ sản xuất, tái chế rác thải được coi là hướng đi lâu dài cần phải tuân thủ. Ví dụ, các làng nghề chuyên làm nghề tái chế rác thải nhựa như: Minh Khai (Như Quỳnh, Hưng Yên), Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) sẽ phải được giám sát quá trình phân loại, xử lý, tái chế rác thải, thay vì sử dụng phương pháp đốt trực tiếp như hiện nay.
Với các điểm tập kết rác thải của người dân tại các địa phương, do chưa được thu gom rác về các bãi tập trung nên cần vận động nhân dân không đốt rác bừa bãi, nhất là rác thải nhựa, túi nilon mà cần phải được tập kết và xử lý đúng quy trình. Việc thu gom rác thải nhựa, rác thải độc hại sẽ cần phải được chính quyền các tỉnh thành tính đến, trong đó cần ưu tiên xây dựng các bãi rác tập trung cho từng huyện, từng cụm huyện ở các tỉnh thành khi nhu cầu xả thải loại rác thải độc hại này là rất lớn.
“Không nên mang sức khỏe cộng đồng ra đùa giỡn, không để tình trạng đốt rác diễn ra bừa bãi và tùy tiện như hiện nay. Khói thải từ việc đốt rác nhựa nguy hại hơn chúng ta nghĩ rất nhiều chứ không chỉ đơn thuần là những cột khói đen vời những mùi khét và khó chịu như chúng ta đang nhìn thấy”, TS Đỗ Kim Phúc kết luận.