Sau 3 năm triển khai, Nghị quyết 120/NQ-CP đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách và đạt nhiều kết quả trong thực tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến hết năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Mục tiêu này được nêu ra 7 năm trước trong Nghị quyết 24, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

{keywords}
ĐBSCL hướng đến nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh

Trên cơ sở Nghị quyết 24 của Đảng, năm 2017 Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem là Nghị quyết có tính lịch sử, bởi chưa bao giờ khu vực ĐBSCL lại được đón nhận những quyết sách lớn cũng như dự án đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển bền vững như trong 3 năm qua. Nghị quyết là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và an toàn, thịnh vượng.

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sau khi Nghị quyết được ban hành, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự hưởng ứng của người dân, kết quả thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển; các hoạt động đầu tư công có tính dẫn dắt, thúc đẩy, kết nối, giải quyết các vấn đề cấp bách về dân sinh được quan tâm; hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ĐBSCL.

Đáng chú ý, tổng số vốn đầu tư cho ĐBSCL so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 16,53% (giai đoạn 2016-2020); đầu tư qua địa phương đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương gần 90.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương 115.000 tỷ đồng. Cùng với đó, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển, tổng số vốn đầu tư hỗ trợ từ các đối tác phát triển cho các chương trình dự án đã và đang hỗ trợ cho vùng ĐBSCL tính đến năm 2019 vào khoảng 2,48 tỷ USD (57.400 tỷ đồng).

Hiện nay, Chính phủ xem xét thông qua Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với số vốn 1,05 tỷ USD (tương đương 24.302 tỷ đồng). “Trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho ĐBSCL. Riêng Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất chủ trương đầu tư 38 dự án cho ĐBSCL với số vốn 94.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025”, ông Tăng Thế Cường cho hay.

Bên cạnh đó, Nghị quyết đã thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế và theo lãnh thổ trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng; kết nối liên vùng đang được thúc đẩy thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ. Các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội đang được triển khai thực hiện tập trung vào những vấn đề cấp bách…Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và an toàn, thịnh vượng”, ông Tăng Thế Cường khẳng định.

Cũng theo ông Tăng Thế Cường, phương châm “thuận thiên” mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra được quán triệt thực hiện, qua đó, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. “Ví dụ như, thiệt hại về riêng diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015-2016”, ông Tăng Thế Cường dẫn chứng.

Tại buổi tọa đàm đánh giá về việc triển khai Nghị quyết 120 do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn chia sẻ: 3 năm không phải là 1 thời gian quá dài cộng với những yếu tố khác, đã tạo những chuyển biến hết sức tích cực. Theo đó, mức tăng trưởng trong ngành nông nghiệp của ĐBSCL cao hơn cả nước trong điều kiện dịch bệnh, bất ổn thị trường. Nông nghiệp vùng ĐBSCL đã có sự duy trì và tăng trưởng từ 4,6-4,7%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Ngoài ra, đã thu hút được các nhà đầu tư lớn vào trong ĐBSCL...

Tuy nhiên, để khắc phục những tồn tại hiện nay như thiếu sự chủ động, liên kết trong việc triển khai Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương; khó khăn khi huy động nguồn lực, GS.TS Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu cho rằng: Với điều kiện địa hình của ĐBSCL rất bằng phẳng và hệ thống kênh rạch chằng chịt, ĐBSCL nên được xem là một tổng thể. Một hoạt động của một địa phương này có thể tác động tốt hoặc tác động xấu đến những vùng khác. Vì vậy, cần có quy hoạch tổng thể của ĐBSCL, không xét đến ngành, không xét đến địa giới hành chính. 

Hằng Nga