Đông Văn là xã đầu tiên của huyện Đông Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013 và năm 2020 trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Nấc thang tiếp theo, xã xây dựng mô hình Xã nông thôn mới thông minh, đưa công nghệ số vào cuộc sống.
Để đạt được mục tiêu, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, phân công rõ nhiệm vụ từng bộ phận, cá nhân và thành lập 7 tổ công nghệ số cộng đồng. Tại hội nghị giao ban hàng tháng, UBND xã triển khai phổ biến, quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, các nhà trường và ban cán sự 7 thôn trên địa bàn.
Xã phối hợp với Viễn thông khu vực Thiệu Hóa - Đông Sơn mở các lớp tập huấn chuyển đổi số, kỹ năng số tại 7/7 khu dân cư. Trong các buổi tập huấn, người dân được hướng dẫn các kỹ năng, tư duy cần thiết cho công dân số như: thanh toán không dùng tiền mặt, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, cài đặt App ThanhhoaS tương tác giữa chính quyền với người dân, định danh điện tử mức độ 1...
Đoàn Thanh niên xã và đoàn thể phối hợp với các cơ quan truyền thông, nhà mạng tư vấn, hướng dẫn người dân cài đặt chữ ký số, đồng thời phối hợp với các ngân hàng mở tài khoản cho người dân.
Cùng với đó, xã Đông Văn cũng xây dựng mô hình các thôn thông minh. Tiêu biểu như thôn Văn Bắc có hệ thống truyền thanh thông minh; hệ thống máy tính có kết nối mạng và phát sóng sóng wifi miễn phí tại Nhà văn hóa thôn; hệ thống camera an ninh theo từng tổ tự quản và người dân biết khai thác để phòng ngừa và tố giác tội phạm.
Ban Công tác Mặt trận, các chi đoàn, chi hội khai thác các ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, thành viên tổ tự quản tích cực tham gia các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thôn vận động trên 80% người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh và thành thạo các ứng dụng, phần mềm.
Hiện nay, khi đến giao dịch tại Bộ phận Một cửa, người dân được hướng dẫn đăng ký tài khoản, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. 100% các văn bản, hồ sơ công việc của xã được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định). 100% cán bộ, công chức xã được cấp và thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ.
Xã hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, giai đoạn 2019 - 2022; 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức kết nối, sử dụng hệ thống TD-Office phục vụ chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử. Xã cũng xây dựng thành công phòng họp không giấy với 25 máy tính xách tay, tạo lập tài khoản cho 100% cán bộ, công chức, 25/25 đại biểu Hội đồng nhân dân xã.
Đông Văn còn là xã đầu tiên của huyện Đông Sơn thực hiện phòng họp trực tuyến từ xã xuống thôn, với 7/7 nhà văn hóa được trang bị ti vi, máy tính, máy in, phòng họp trực tuyến. 100% các đường trục, ngõ xóm tại 57 tổ tự quản khu dân cư được lắp đặt hệ thống camera an ninh với 105 vị trí, kết nối hình ảnh, các hoạt động của khu dân cư về nhà văn hóa thôn.
Trên địa bàn xã có 60,3% hộ kinh doanh và người dân sử dụng các phương tiện thanh toán ứng dụng công nghệ số như Mobile Banking, Internet Banking, mã QR... để mua bán hàng hóa, thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí... 100% trợ cấp an sinh xã hội được thanh toán trực tuyến. Xã phấn đấu từ giờ đến cuối năm 2024 sẽ đạt 80% người dân, hộ kinh doanh sử dụng tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, xã Đông Văn quan tâm, hướng dẫn, khuyến khích người dân tiếp cận các nền tảng số để phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh; kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng điện tử như: Tiki, Lazada, Shoppee, Postmart.vn, Voso.vn. Xã có 1 sản phẩm OCOP là bánh đa nem mềm An Chi đã được đưa lên sàn thương mại điện tử “Nongsanantoanthanhhoa.vn” và quảng bá, giới thiệu trên môi trường Internet.
Bà Mai Thị Ngọc Linh, Chủ tịch UBND xã Đông Văn cho biết: "Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, chúng tôi tiếp tục tập trung chỉ đạo và tuyên truyền người dân xây dựng thôn nông thôn mới thông minh, xã nông thôn mới thông minh, đưa ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào cuộc sống để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm và định hướng phát triển bền vững của địa phương".