Đồng Văn là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di sản địa chất, di tích, điểm du lịch quan trọng như: Nhà Vương Sà Phìn, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Phố cổ Đồng Văn, nhà Pao - Sủng Là... Bên cạnh những điểm di tích, di sản địa chất kể trên, huyện Đồng Văn còn nổi tiếng với nét đẹp văn hóa của các dân tộc và các lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm trên địa bàn huyện, trong đó có Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội khèn Mông... thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến với huyện.
Báo cáo từ UBND huyện Đồng Văn cho biết, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn phát sinh khoảng 25,5 tấn/ngày. Ngoài ra, còn có lượng lớn rác thải phát sinh chủ yếu tại các buổi họp chợ như chợ Phố Cáo, chợ Sà Phìn, chợ Lũng Phìn, chợ Lũng Cú, chợ Sính Lủng, chợ Má Lé, chợ Sủng Trái.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định. Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ công cộng môi trường và cấp thoát nước huyện thực hiện công tác thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn. Trong đó, thu gom và xử lý rác thải hàng ngày tại trung tâm thị trấn Đồng Văn và thị trấn Phố Bảng. Đối với các xã Lũng Cú, Sủng Là, Phố Cáo, Phố Là, Sà Phìn, thực hiện thu gom, xử lý 1 lần/1 tuần. Khối lượng thu gom, xử lý trung bình khoảng 460 tấn/tháng. Đối với trung tâm tại một số xã như Lũng Phìn, Lũng Thầu các xã đã hợp đồng từ 1-2 người thực hiện thu gom, xử lý. Đối với rác thải phát sinh tại các chợ dân sinh, UBND các xã đã hợp đồng với các tổ thu gom, xử lý sau mỗi phiên chợ, không để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn huyện hiện có 9 làng nghề, tuy nhiên quy mô nhỏ, chủ yếu là sản xuất tại một số hộ gia đình, lượng rác thải phát sinh không nhiều và được xử lý tại chỗ nên không gây ô nhiễm môi trường. UBND huyện đã phê duyệt phương án bảo vệ môi trường cho 9 làng nghề. Các xã, thị trấn cũng đã thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
Thông tin từ UBND huyện cũng cho biết, tổng số các cơ sở y tế trên địa bàn huyện là 20 cơ sở, trong đó có 1 bệnh viện đa khoa huyện. Đối với rác thải y tế nguy hại được Bệnh viện đa khoa huyện xử lý tại lò xử lý rác thải y tế của bệnh viện. Đối với rác thải sinh hoạt thông thường, được thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Rác thải từ quá trình sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, lá ngô, cỏ dại một phần được dùng để làm thức ăn chăn nuôi, một phần làm chất đốt, phần còn lại được người dân đốt tại nương rẫy.
Hiện trên địa bàn huyện đã được đầu tư, xây dựng 2 bãi, lò xử lý rác thải. Trong đó bãi xử lý tại thị trấn Đồng Văn với diện tích 11.349,0 m2, lò xử lý rác thải theo công nghệ mới với công suất 500 kg/giờ. Bãi xử lý rác thải tại thị trấn Phố Bảng với diện tích 14.612,8 m2, lò xử lý rác thải theo công nghệ mới với công suất 500 kg/giờ.
UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND ngày 02/02/2024 về ban hành quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND huyện Đồng Văn đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Công văn số 470/UBND-TNMT ngày 12/3/2024 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND ngày 02/02/2024 của UBND tỉnh về quy định quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong đó đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, bảo đảm chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý phải được thực hiện phân loại tại nguồn theo quy định chậm nhất là ngày 31/12/2024.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện chưa thực hiện được việc phân loại rác thải tại nguồn với nhiều lý do như: Kinh phí mua sắm các trang thiết bị để phân loại rác thải chưa đảm bảo, thói quen sinh hoạt và ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn chưa cao.