CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần đạt 589 tỷ đồng, tăng 68% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 470 tỷ đồng, tăng gần 170% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng, PHR ghi nhận doanh thu tăng 31% lên gần 1,16 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.
Theo giải trình, sở dĩ doanh thu và lợi nhuận của Cao su Phước Hòa tăng mạnh là nhờ hoạt động cho thuê hạ tầng Khu công nghiệp Tân Bình và việc doanh nghiệp mang một lượng tiền lớn từ đền bù các dự án khu công nghiệp đi gửi ngân hàng thu về tiền lãi.
CTCP Phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam - Vinaruco (VRG) vừa báo lãi ròng 9 tháng đầu năm tăng gần 5 lần cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi tăng cao. Đây cũng là một doanh nghiệp có nguồn gốc trồng cao su, chuyển hướng sang phát triển bất động sản công nghiệp.
CTCP Phát triển Đô thị công nghiệp số 2 (D2D) ghi nhận lãi quý 3 đạt 155 tỷ đồng, tăng gấp hơn 24 lần cùng kỳ năm trước. Đây cũng là một cổ phiếu nóng trong 2019 với mức tăng gần gấp 3 lần lên mức quanh 85 ngàn đồng/cp như hiện tại.
Cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG cũng là một cố phiếu tăng mạnh sau khi lên sàn gần đây và đánh dấu thời kỳ hoàng kim trong hơn một thập kỷ qua. SIP tăng mạnh từ mức 17.200 đồng/cp trong phiên đầu tiên hôm 6/6/2019 lên quanh mốc 100.000 đồng/cp nh whienej nay.
SIP được biết là là chủ đầu tư trực tiếp của nhiều khu công nghiệp (KCN): Đông Nam (Củ Chi, TPHCM 282ha), Phước Đông (Tây Ninh, 2.190ha), KCN Lê Minh Xuân III (Bình Chánh, TPHCM, 220ha) với tỷ lệ lấp đầy khá cao.
Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam. |
Không chỉ các PHR hay SIP, nhiều cổ phiếu bất động sản khác cũng khởi sắc. Cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm đang ở vùng đỉnh 2 năm. Chỉ tính riêng trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu KBC đã tăng khoảng 40%. Sonadezi Long Thành (SZL) cũng tăng mạnh, có lúc lên trên 60 ngàn đồng, so với mức 30 ngàn đồng hồi đầu năm.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp hoặc cao su chuyển hướng sang BĐS công nghiệp gần đây rất tốt nhờ sức cầu thuê đối với các khu công nghiệp tăng mạnh.
Trên thực tế, trong 20 năm qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) nước ngoài vào Việt Nam tăng đều đặn. Nhưng dòng vốn này gần đây tăng đột biến, nhất là từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhu cầu đối với KCN chuyên biệt ngày càng tăng, từ mức vài trăm hecta những năm đầu đồi mới đên nay đã lên tới gần 100 ngàn hectar.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh, định hướng xuất khẩu và sự ổn định kinh tế vĩ mô là các yếu tố góp phần giúp Việt Nam hút mạnh dòng vốn ngoại.
Theo đánh giá của một số CTCK, xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra. Những hành động gần đây của Trump khiến xu hướng này mạnh hơn.
Một số dự báo cho thấy, giá thuê sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới khi nhu cầu về diện tích công nghiệp tăng cao. Giá thuê ở miền Bắc đã lên khoảng 2 triệu đồng/m2, trong khi đó ở Hà Nội lên tới 3 triệu đồng/m2.
Bên cạnh đó, những nỗ lực hội nhập sâu rộng của Việt Nam với những hiệp định thương mại tự do như Việt Nam-EU (EVFTA), TPP… ngày cang mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp.
Theo VDSC, diện tích các khu công nghiệp ở phía Bắc lên tới 19 ngàn hecta với tỷ lệ lắp đầy lên tới 80%, trong khi ở phía Nam là 38 ngàn hecta (tỷ lệ lấp đầy 90%).
Theo CBRE, hiện Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha. Diện tích đất này được lấp đầy nhờ hàng loạt các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc… với những gương mặt điển hình như Samsung, LG…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 21/10, VN-Index giảm điểm. Nhóm cổ phiếu Vingroup giảm. Nhiều cổ phiếu chủ chốt cũng giảm điểm như: Vietcombank, Masan, VPBank…
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục biến động giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp. VN-Index nhiều khả năng sẽ vẫn dao động trong vùng 987-998 điểm. Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh theo thông tin lợi nhuận quý III của từng doanh nghiệp cụ thể.
Về diến biến các nhóm ngành, các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận quý III tích cực theo dự báo của BVSC vẫn là ngân hàng, bất động sản, cao su tự nhiên, cao su săm lốp… Bên cạnh đó, một số các cổ phiếu trong rổ VN30 như VNM, MSN, VJC, REE… cũng được dự báo sẽ có diễn biến tăng điểm để hỗ trợ cho thị trường trong tuần tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/10, VN-Index giảm 0,62 điểm xuống 989,2 điểm; HNX-Index giảm 0,59 điểm xuống 105,48 điểm và Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 56,46 điểm. Thanh khoản đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 3,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà