Theo PGS,TS. Doãn Ngọc Hải (Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Tháp), kế hoạch triển khai việc chống dịch trên địa bàn tỉnh gồm các vấn đề: xét nghiệm sàng lọc quy mô toàn tỉnh; thiết lập các điểm thu dung, tổ chức cách ly phù hợp; thiết lập hệ thống điều trị liên thông với khu thu dung; thiết lập hệ thống thông tin điều hành các nguồn lực chống dịch; hệ thống truyền thông chống dịch; tổ chức bộ phận điều phối chung toàn tỉnh. Tổ công tác của Bộ Y tế hướng tới mục tiêu hỗ trợ người dân chủ động chống dịch cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; kiểm soát dịch bệnh toàn tỉnh trước ngày 25/8/2021.
Ảnh minh họa |
Trên cơ sở đề xuất đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh và các tiểu ban nghiên cứu, tính toán việc tầm soát phù hợp với tình hình thực tế.
Tinh thần chung là 100% hộ gia đình phải được xét nghiệm đại diện. Đến 23/8, phải kết thúc việc xét nghiệm tầm soát trên địa bàn toàn tỉnh; đánh giá được hiện trạng dịch bệnh ở các địa phương và cả tỉnh. Tiểu ban xét nghiệm cần nhanh chóng chuẩn bị sinh phẩm, hóa chất... phục vụ việc xét nghiệm.
Ông Lê Quốc Phong yêu cầu, trong báo cáo ngày về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 của các huyện, thành phố cần bổ sung thông tin số lượng hộ gia đình đã được lấy mẫu xét nghiệm đại diện; có nhận định, đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Các địa phương chuẩn bị “kịch bản”, phương án sau khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 (lần thứ 3) trên tinh thần vừa chuyển sang trạng thái mới, vừa giữ được kết quả phòng, chống dịch. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm phê duyệt và quyết định cho phép doanh nghiệp hoạt động theo phương án “4 tại chỗ”.
Dự kiến, mỗi địa phương sẽ được tỉnh hỗ trợ 5.000 test nhanh Covid-19, riêng thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc được hỗ trợ 10.000 test và tuỳ theo tình hình thực tế của mỗi địa phương có thể điều chỉnh số lượng phù hợp.
Cửu Long