Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 sản phẩm được xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với tên địa danh; có ít nhất 05 vùng sản xuất nông sản chủ lực được phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, bao gồm: Vùng sản xuất xoài xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh; vùng sản xuất trọng điểm cây có múi 03 xã: Tân Thành, Long Hậu, Tân Phước (huyện Lai Vung); vùng sản xuất màu trọng điểm, xã Mỹ An Hưng A (huyện Lấp Vò); vùng nuôi cá sặc rằn xã Láng Biển (huyện Tháp Mười); vùng trồng khoai lang xã Hòa Tân (huyện Châu Thành).
Xoài Cát chu Cao Lãnh đạt tiêu chí xuất khẩu |
Cùng với đó, tỉnh thực hiện quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài, chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen trở thành thương hiệu quan trọng của tỉnh. Từ đó, hướng tới xây dựng thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng như: EU, Trung Quốc, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, mục tiêu của tỉnh Đồng Tháp còn hình thành ít nhất 2 phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực tại các tỉnh, thành phố lớn. Đồng thời, duy trì ổn định 2 trung tâm giới thiệu, trưng bày nông sản tỉnh Đồng Tháp tại Hà Nội và tại Phú Quốc (Kiên Giang).
Để phát triển thương hiệu các nông sản chủ lực có uy tín trên thương trường, tỉnh Đồng Tháp tổ chức kiểm nghiệm chất lượng nông sản chủ lực; hỗ trợ liên kết tiêu thụ trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Cùng đó, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nông sản chủ lực tiêu thụ trên thị trường, tạo niềm tin cho khách hàng, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cửu Long