Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng

UBND tỉnh Đồng Tháp mới đây đã có quyết định thành lập tổ phân tích dữ liệu của tỉnh, gồm 20 thành viên, với tổ trưởng là ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và tổ phó là ông Đoàn Thanh Bình, Giám đốc Sở TT&TT.

Tổ phân tích dữ liệu có 3 nhiệm vụ chính, trong đó có việc theo dõi, phân tích, đánh giá, chọn lọc dữ liệu tại Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh theo thời gian thực, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tổ cũng có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các tiêu chí, chỉ tiêu, loại dữ liệu theo lĩnh vực, ngành cần thiết, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; và định kỳ hằng tháng, quý, năm báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tình hình, kết quả phân tích, đánh giá dữ liệu tại Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh.

Thúc đẩy Chính phủ kiến tạo

Một địa phương khác đã tương đối thành công trong phát triển và khai thác dữ liệu số thời gian qua là Đà Nẵng. Từ hơn 10 năm trước, bài toán tạo dựng và khai thác dữ liệu số đã được Đà Nẵng đặt ra.

Cụ thể, từ những năm 2010, thành phố đã xây dựng, từng bước hoàn thiện các cơ sở dữ liệu nền dùng chung như công dân, nhân hộ khẩu, doanh nghiệp, thủ tục hành chính, đất đai… Đến năm 2018, Đà Nẵng bắt đầu thí điểm sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai thay thế giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi làm thủ tục hành chính. Tiếp đó, vào năm 2019, thí điểm sử dụng cơ sở dữ liệu nhân hộ khẩu, công dân để thay thế sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và từ năm 2021 bắt đầu thí điểm dùng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể thay thế giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Đặc biệt, để làm giàu dữ liệu công dân và cung cấp các dịch vụ mới, từ giữa năm ngoái, Đà Nẵng đã phát triển nền tảng công dân số - My Portal, cho phép mỗi người dân thành phố có 1 mã QR duy nhất và 1 kho dữ liệu số. Người dân có thể sử dụng lại thông tin, dữ liệu của mình cũng như tất cả dịch vụ, tiện ích số, đồng thời tương tác 2 chiều với chính quyền.

Theo các chuyên gia, trong phát triển Chính phủ số, chính quyền có thể sử dụng dữ liệu số để biết được tâm trạng, mong muốn của người dân và xã hội, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả của các dịch vụ công trực tuyến. Dữ liệu số cũng để phục vụ việc quản lý, điều hành, ra quyết định của các cấp lãnh đạo, đưa ra những dự báo phục vụ xây dựng các chính sách mạng tính chiến lược của đất nước. Ngoài ra, dữ liệu số được mở cho xã hội nhằm tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội, thực hiện đúng chức năng của một Chính phủ kiến tạo.

Dẫu vậy, trên phạm vi toàn quốc, việc phát triển, chia sẻ và khai thác dữ liệu số của nhiều địa phương vẫn còn hạn chế. Theo đánh giá của đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, phần lớn các địa phương vẫn gặp phải khó khăn liên quan đến kết nối, chia sẻ dữ liệu tại địa phương và kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa địa phương với các bộ, ngành Trung ương.

Trong phát biểu tại phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 25/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban đã nêu rõ: “Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tập trung cho nhiệm vụ tích hợp và chia sẻ, kết nối dữ liệu.