Chương trình đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực phục hồi loài chim quý hiếm này theo đề án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”.

Sếu đầu đỏ.jpg
Đàn sếu được đưa về nuôi ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Theo đó, Đồng Tháp tiếp nhận 6 con sếu đầu đỏ (khoảng 7 tháng tuổi) từ Thái Lan, được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không ngày 10/4. 

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong chia sẻ: "Sếu đầu đỏ về với Đồng Tháp trong những ngày tháng Tư lịch sử và trong bối cảnh Đồng Tháp chuẩn bị có một không gian phát triển mới. Tôi nghĩ đây là điềm lành, tín hiệu tốt để chúng ta tiếp tục tin tưởng, kỳ vọng đề án bảo tồn, phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim sẽ thành công”. 

Lê Quốc Phong.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong. Ảnh: T.X

Tại chương trình, 6 con sếu đã được đặt tên. Trong đó, có một sếu trống được Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đặt tên là Tha Vi.

“Tha” là từ viết tắt của từ “Thái” (Thái Lan), “Vi” là cách viết ngắn gọn của từ “Việt” (Việt Nam). Tha Vi (Thái Việt) vừa thể hiện quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa 2 nước, lại có phát âm gần giống một từ trong tiếng Thái có nghĩa là "tăng lên" hoặc "nhiều hơn".

Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội kêu gọi tất cả các bên cùng chung tay trong công cuộc khôi phục và phát triển loài sếu đầu đỏ, biểu tượng của sự may mắn và hy vọng. 

Phó Chủ tịch QH.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan. Ảnh: T.X

Sếu đầu đỏ với dáng vẻ kiêu hãnh, chiều cao đến 1,8m và có màu đỏ đặc trưng trên đầu, được coi là biểu tượng của hòa bình, may mắn, và sự phát triển bền vững. Đây là loài chim cao nhất biết bay, hiện được xếp vào danh mục các loài dễ bị tổn thương. 

Đồng Tháp từ lâu đã là nơi sinh sống quen thuộc của sếu đầu đỏ. Có năm hàng nghìn con sếu di cư về Tràm Chim để sinh sống.

Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam; nơi đây là hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa, có tính đa dạng sinh học rất cao.