Hôm 26/8, tại hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện đầu tư xây dựng 7 tháng đầu năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ cuối năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa lưu ý, tình hình giải ngân vốn của Đồng Tháp còn thấp so với mặt bằng của cả nước nên các chủ đầu tư, các địa phương phải đặc biệt quan tâm đẩy nhanh hơn nữa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một góc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười |
Theo đó, các chủ đầu tư và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện theo công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/8 về việc đẩy nhanh tiên độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; người đứng đầu phải đổi mới ngay phương thức chỉ đạo, điều hành ngay để giải quyết khó khăn, phải theo dõi sát việc thực hiện các công trình và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Dù dịch bệnh, đến giờ Chính phủ chưa thay đổi mục của năm, nên từng ngành, từng cấp nỗ lực hơn trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư; đã nhận vốn thì có khó khăn đến đâu phải quyết tâm thực hiện, kết quả sẽ khả quan hơn. Các đơn vị phải đánh giá đúng tình hình đầu tư xây dụng, nêu giải pháp giải quyết khó khăn, phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu giải ngân vốn...
Được biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh là 4.929,193 tỷ đồng, bao gồm kế hoạch vốn năm 2020 chuyển sang 999,384 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 là 3.929,809 tỷ đồng (không bao gồm 750 tỷ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất). Trong đó, đã phân bổ chi tiết 3.267,714 tỷ đồng (kể cả 34,5 tỷ đồng vốn ODA địa phương vay lại của Trung ương), đạt 83,15% kế hoạch, số vốn còn lại chưa phân bổ 662,095 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến ngày 20/8 là 973,138 tỷ đồng/4.048,295 tỷ đồng, đạt 24,24% so với kế hoạch đã phân bổ (cả nước đến 31/7 đạt 36,71%); ước giải ngân đến ngày 30/9/2021, đạt 39,52% so với kế hoạch đã phân bổ, cao hơn 5,42% so với cùng kỳ (năm 2020, đạt 34,1%) và dưới 60% theo Nghị quyết số 63/NQ-CP.
Cửu Long