Đồng Thắng là xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập 02 xã Rã Bản và Đông Viên của huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn theo Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Bắc Kạn.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đến đời sống của nhân dân khu vực nông thôn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi.

Xác định rõ quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, sau khi đạt xã nông thôn mới năm 2018 và được công nhận lại năm 2020, Đồng Thắng đã bắt tay triển khai thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới. 

img-20230405-132810-1.jpg
Xã Đồng Thắng tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Với mục tiêu là xã đầu tiên của huyện Chợ Đồn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023, địa phương tập trung nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết thực hiện các tiêu chí, kế hoạch đã đề ra. Các tiêu chí từng bước được nâng lên, bền vững, diện mạo của xã thay đổi rõ rệt; kinh tế - xã hội phát triển nhanh, đúng hướng. 

Đến nay, xã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao gồm: Thủy lợi và phòng chống thiên tai; Điện; Cơ sở hạ tầng thương mại; Nhà ở dân cư; Lao động; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Y tế; Tiếp cận pháp luật; Môi trường; Chất lượng môi trường sống.

Thôn Nà Vằn có 40 hộ dân, với 165 nhân khẩu. Đây là một trong những thôn điển hình của xã Đồng Thắng trong việc huy động sức dân tham gia phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên nhiều hộ dân trong thôn đã tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất, phá bỏ tường rào, vườn cây ăn quả... để mở đường, bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Đạt chuẩn thôn nông thôn mới năm 2017, đến nay, thôn Nà Vằn chỉ còn 03 hộ nghèo, 08 hộ cận nghèo. Theo ông Nguyễn Huy Hòa, trưởng thôn Nà Vằn, mọi vấn đề liên quan đến đóng góp, xây dựng đều được công khai, minh bạch, xin ý kiến đồng thuận của nhân dân. Vì vậy, công tác hiến đất, làm đường... rất thuận lợi. 

Trong sản xuất nông nghiệp, xã Đồng Thắng đã hình thành theo vùng sản xuất cây chủ lực tập trung, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là gạo J02 sản xuất theo hướng hữu cơ, cấp mã vùng trồng cây cam, quýt. Các mô hình phát triển kinh tế được mở rộng và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp, các hợp tác xã tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Nhân dân tích cực áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Hiện, Đồng Thắng thành lập được 07 hợp tác xã, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng được sản phẩm Thịt lợn rừng lai Phúc Thơm Bắc Kạn của Hợp tác xã Quỳnh Trang và Nấm mộc nhĩ nguyên tai của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Thắng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao...

Nhờ vậy, số hộ thoát nghèo vươn lên có đời sống khá, giàu ngày càng tăng. Đến nay, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn xã chỉ còn 5,2% hộ nghèo; 3,65% hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2023, xã phấn đấu đạt 51 triệu đồng và đến năm 2025 đạt 59 triệu đồng/người/năm trở lên.

Kinh tế phát triển cũng đồng nghĩa đời sống tinh thần người dân được nâng lên. Xã có 92,5% gia đình đạt chuẩn văn hóa; 100% số thôn đạt thôn văn hóa; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố, bán kiên cố đạt 99%...

Cùng với đó, xã tiếp tục tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các bộ phận chuyên môn trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân. Đẩy mạnh việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo mô hình một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại…

Để nâng cao chất lượng công tác xây dựng nông thôn mới, xã chú trọng việc nâng cao năng lực, kiến thức cho cán bộ nông thôn mới, cử cán bộ, trưởng thôn, người có uy tín… tham gia các lớp tập huấn của huyện, tỉnh.

Đồng thời phối hợp với cấp có thẩm quyền theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý thực hiện Chương trình; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình ở địa phương. Qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo thời gian, nội dung theo quy định.

Văn Giáp và nhóm PV, BTV