“Chiến thuật lát cắt salami tại Biển Đông rất khó được xử lý một cách chính xác, vì không hành động nào của Trung Quốc đủ lớn để Mỹ có thể đáp trả mạnh tay hơn là bằng những lời nói suông."
Bài 1: Obama không chấp nhận "cậy mạnh hiếp yếu" ở Biển Đông
Bài 2: ASEAN trong vòng xoáy quyền lực Mỹ-Trung
LTS: Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnylands (Mỹ), nhà báo Thu Hà (Tuần Việt Nam) phỏng vấn ông Denny Roy, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Tây, về quan điểm và cách đối phó của Mỹ với chiến lược “lát cắt salami” mà Trung Quốc đang thực thi tại Biển Đông.
Trung Quốc đã cao tay trong việc áp dụng “chiến thuật lát cắt salami” tại Biển Đông. Ông có nghĩ rằng Mỹ ý thức về sự nguy hiểm của chiến lược này không? Và chúng ta có thể đối phó với chiến lược đó như thế nào?
Ông Denny Roy: Chính phủ Mỹ vẫn đang theo dõi sát chiến thuật “lát cắt salami” của Trung Quốc và cho rằng những động thái này là những bước đi nhỏ trong một chiến lược dài hạn.
Ảnh: SCMP |
Chiến lược này rất khó được xử lý một cách chính xác, vì không hành động nào của Trung Quốc đủ lớn để Mỹ có thể đáp trả mạnh tay hơn là bằng những lời nói suông.
Bất chấp sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc trên thực tế vẫn tiếp tục các động thái hiếu chiến trên vùng biển này. Theo ông, tại sao sự can dự của Mỹ và cộng đồng quốc tế vẫn còn quá ít để kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc?
Ông Denny Roy: Một lần nữa cũng là vì các động thái của Trung Quốc chưa đủ lớn để bắt đầu một cuộc xung đột quân sự.
Nhưng cũng là vì chỉ một số ít nước thực sự lo ngại về những gì Trung Quốc đang làm tại Biển Đông.
Một số nước khác có thể lo lắng chút nào đó, nhưng họ phải cân bằng điều này với mong muốn duy trì một quan hệ kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc.
Khi Trung Quốc xây dựng các sân bay tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu, nhiều người lo ngại rằng tình hình tại Biển Đông có thể leo thang thành xung đột vũ trang. Ông nghĩ thế nào?
Ông Denny Roy: Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ xây dựng các căn cứ quân sự nhỏ mới trên các quần đảo này. Nhưng không hành động nào sẽ dẫn tới chiến tranh cả.
Mọi căng thẳng đều có thể quản lý được, trừ phi ai đó mắc một sai lầm ngớ ngẩn.
Mỹ đã tái khẳng định cam kết xoay trục sang Châu Á, trong có việc sắp xếp lại sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương. Chiến lược này đã được thực thi như thế nào, thưa ông?
Ông Denny Roy: Chiến lược “xoay trục” bao gồm hoạt động ngoại giao tăng cường, các nỗ lực thúc đẩy thương mại quốc tế, việc điều động một lượng nhỏ khí tài quân sự của Mỹ tới bờ Tây Thái Bình Dương và hợp tác an ninh tăng cường với các đối tác của Mỹ trong khu vực.
Một khi Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Tây Thái Bình Dương như đã thông báo, điều đó tác động như thế nào tới tình hình này?
Ông Denny Roy: Trung Quốc sẽ than phiền một chút. Việc này có thể làm gia tăng căng thẳng và khiến Trung Quốc cảm thấy cần hành động quyết liệt hơn.
Nhưng mặt khác, việc này cũng có thể giúp giảm căng thẳng khi thuyết phục Trung Quốc rằng thái độ hiếu chiến của họ phản tác dụng./.
Thu Hà (từ Honolulu, Mỹ)