Ngày được mặc chiếc áo đồng phục đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy bản thân mình thật lớn. Một chiếc áo sơ mi màu trắng tinh khiến tôi trông thật khác với dáng vẻ thường ngày - trưởng thành, tự tin và chững chạc.
Đối với một đứa trẻ nghèo, đồng phục dù không phải quá xa xỉ, nhưng cũng thật khó khăn mỗi lần tôi quyết định đăng ký cùng các bạn trong lớp. Bởi lẽ, một chiếc áo đồng phục có giá trị còn cao hơn cả tiền lãi một ngày mẹ đi bán xôi ngoài chợ.
Cũng vì thế, những bộ đồng phục cũ được mẹ xin từ các anh chị luôn là bạn đồng hành với tôi hồi ấy. Chúng khiến tôi được 'ăn diện' hơn so với mình ở nhà, được giống các bạn và hòa mình vào màu áo trắng tinh khôi trước sân trường mà chẳng sợ cười chê. Nhờ thế, tôi trở nên tự tin mỗi lần tới lớp.
Sau này lớn lên, bộ đồng phục có gắn logo còn là cách để đồng môn chúng tôi nhận ra nhau mỗi khi đi trên đường. Nó giống như một niềm tự hào và là tình yêu đối với ngôi trường mình đang theo học - như cách Việt Nam ta mang theo lá cờ tổ quốc đến với các đấu trường quốc tế.
Vào ngày kỷ niệm 30 năm thành lập trường, tôi vẫn còn nhớ như in màu áo trắng tinh tràn ngập trên khắp sân trường. Hầu hết các cựu học sinh đều quay trở về và cùng khoác trên mình chiếc áo đồng phục. Hình ảnh này khiến tất cả thầy và trò đều xúc động rưng rưng.
Mặc dù yêu và trân quý chiếc áo đồng phục, nhưng không thể phủ nhận, ngày còn đi học, nhiều đứa trong số chúng tôi khá chống đối việc phải mặc chúng triền miên hàng tuần.
Tuổi 15, 16, là tuổi đến độ khẳng định mình, những bộ đồ mặc tới trường còn là cách để chúng tôi thể hiện cá tính, phong cách của bản thân. Và như một lẽ tất yếu, đồng phục không còn được trưng dụng thường xuyên nữa.
Nhưng cũng không vì thế, những bộ đồng phục mất đi giá trị. Chúng tôi đem nó tới các đấu trường, cuộc thi trên cả nước, và dùng nó khi muốn lưu giữ lại những kỷ niệm cuối cùng thời học sinh.
Cho đến tận bây giờ, đồng phục vẫn là kỷ vật thời học trò đáng nhớ mà tôi có thể cất giữ.
Bỏ đồng phục hay không, có lẽ còn phụ thuộc vào quan điểm mỗi người. Tôi cho rằng, một chiếc áo đồng phục có thể không khiến một tập thể trở nên nề nếp hơn, nhưng nhờ có chiếc áo đồng phục, những đứa trẻ nghèo như tôi sẽ không còn cảm thấy bị phân biệt.
Cho nên, thay vì ép buộc, tôi nghĩ, nhà trường có thể nới lỏng các quy định về đồng phục, giảm số ngày bắt buộc mặc, khuyến khích học sinh sử dụng lại đồ cũ để hạn chế việc mua mới.
Ngoài ra, nhà trường cũng nên có thêm nhiều lựa chọn để phù hợp hơn với từng học sinh. Thậm chí, đồng phục có thể trở thành một món quà nhỏ để động viên, khích lệ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Đó cũng là cách để những chiếc áo đồng phục giữ được trọn vẹn giá trị vốn có.
Huyền My
Đồng phục, tưởng chỉ là một câu chuyện nhỏ liên quan đến quần áo. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ quyền tự do biểu hiện bản sắc, phong cách, cá tính, tự do lựa chọn của từng em học sinh, và điều kiện hoàn cảnh từng gia đình thì đằng sau câu chuyện đồng phục có lẽ cũng có nhiều điều cần trao đổi, nhìn nhận lại.
Ban Giáo dục báo VietNamNet mở diễn đàn: "Học sinh có cần mặc đồng phục không?".
Mời bạn đọc gửi ý kiến về: [email protected]. Xin cảm ơn!