Đồng Nhân dân tệ mạnh lên
Khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang tiếp tục đẩy giá nguyên liệu thô lên cao, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang chuẩn bị cho việc sụt giảm lợi nhuận khi đồng Nhân dân tệ mạnh lên so với đồng USD.
Trả lời với truyền thông, Jason Ding, một người làm kinh doanh trong lĩnh vực phụ tùng ô tô đến từ Quảng Đông, Trung Quốc cho biết, anh cảm thấy khó hiểu khi đồng Nhân dân tệ vẫn tăng giá mạnh, trước khả năng đồng USD mạnh lên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất. Như vậy, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, khiến giá sản phẩm của Ding cũng tăng cao, nhưng anh không muốn tăng giá sản phẩm thêm nữa nữa, vì sợ bị thua thiệt trước các đối thủ cạnh tranh.
“Chúng tôi đã nghĩ đến việc giữ đồng USD và chờ tỷ giá hối đoái thả nổi, nhưng bây giờ chúng tôi phải chuyển phần lớn về Nhân dân tệ. Sự cạnh tranh ở đây rất khốc liệt. Chúng tôi chỉ tăng giá xuất xưởng của sản phẩm khoảng 5% trong khi giá nguyên liệu đầu vào đã tăng vọt”, Jason Ding nói.
Để quản lý rủi ro ngoại hối, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đã lựa chọn chuyển đổi doanh thu ngoại hối của họ về đồng Nhân dân tệ. Trong trường hợp kỳ vọng mạnh mẽ rằng, đồng Nhân dân tệ có thể giảm giá so với USD, các nhà xuất khẩu sẽ giữ đồng nội tệ của Mỹ. Còn nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục mạnh lên so với USD, điều đó cũng khiến một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh hơn, tạo thêm áp lực tăng chi phí sản xuất lên các nhà xuất khẩu.
Thực tế, Nhân dân tệ đã tăng giá so với USD kể từ đầu năm ngoái, khoảng 6,56 CNY/USD vào tháng 4/2021 đến 6,315 CNY/USD gần đây, nghĩa là ngày càng cần ít Nhân dân tệ hơn để mua một đô la Mỹ.
Theo tờ South China Morning Post, Zheng Bo, người sáng lập Livall, nhà sản xuất mũ bảo hiểm xe đạp thông minh có trụ sở tại Thâm Quyến nói rằng, nếu đồng Nhân dân tệ mạnh lên , hoạt động kinh doanh của ông có thể bắt đầu thua lỗ.
“Chuỗi cung ứng của Trung Quốc vẫn có lợi thế tuyệt đối, bởi chuỗi cung ứng hiện tại ở Đông Nam Á chưa thể sản xuất mũ bảo hiểm thể thao thông minh cao cấp. Vì vậy, vào tháng 12/2021, chúng tôi đã tăng giá xuất xưởng cho thị trường Liên minh châu Âu từ 5 - 10% và vẫn có các đơn đặt hàng như mong đợi. Nhưng chúng tôi đang phải theo dõi chặt chẽ giá logistics và đồng Nhân dân tệ cho hoạt động kinh doanh của mình”, ông chia sẻ.
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc dường như ngày càng cảnh giác với sức mạnh của đồng Nhân dân tệ và sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, có thể gây ra nhiều biến động trên thị trường ngoại hối. Theo đó, đồng Nhân dân tệ ổn định là điều kiện tiên quyết quan trọng để Bắc Kinh tăng trưởng xuất khẩu, vốn vẫn là yếu tố không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế của nước này.
Năm ngoái, Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn chảy mạnh mẽ dưới nhiều kênh khác nhau như thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường trái phiếu và cổ phiếu, thúc đẩy nhu cầu đối với đồng Nhân dân tệ. Một nghiên cứu của Macquarie Capital vào tháng trước trích dẫn số liệu cán cân thanh toán sơ bộ cho thấy, thặng dư thương mại hàng hóa ở Trung Quốc đạt 555 tỷ USD vào năm 2021, có tổng mức cao thứ hai trong lịch sử.
Trong tuần này, đồng Nhân dân tệ tăng giá lên mức mạnh nhất kể từ tháng 4/2018. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đang cảnh giác với sự tăng giá này.
Hu Xiaolian, Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc đánh giá, PBOC đã cảnh báo chống lại “diễn biến một chiều” với tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại hối của các ngân hàng hai lần vào năm ngoái, để hạn chế đà tăng của đồng Nhân dân tệ so với Đô la Mỹ.
Còn theo công ty phân tích và dự báo toàn cầu Oxford Economics phân tích: “Chúng tôi nghĩ rằng, các nhà hoạch định chính sách có lẽ không ngại khi đồng Nhân dân tệ giảm giá, điều này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay. Nhưng chúng tôi cho rằng, họ lo ngại về tác động lan tỏa của việc Fed thắt chặt chính sách đối với các nền kinh tế mới nổi hơn”,
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất có thể kích hoạt dòng tiền chảy ra từ các thị trường mới nổi, bao gồm cả từ Trung Quốc, đây là mối lo ngại mà PBOC đã nêu trong hai báo cáo tiền tệ hàng quý gần đây nhất của họ. Các nhà phân tích cho hay, Chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp tiếp theo nếu cần để giữ đồng Nhân dân tệ ổn định. Trong khi đó, năm 2022 có vẻ là một năm đầy bất ổn đối với các nhà xuất khẩu của Trung Quốc.
Tác động tỷ giá với Việt Nam
Việc đồng CNY tăng cao sẽ khiến nhập khẩu của các nước khác vào thị trường Trung Quốc được hưởng lợi, giá hàng nhập khẩu từ các nước khác tính ra đồng CNY rẻ đi, thúc đẩy nhập khẩu từ các nước khác vào Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên ở góc độ doanh nghiệp, một doanh nghiệp Việt Nam chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc cho biết, bức tranh kinh doanh thực không chỉ có lợi. Cụ thể, khi đồng CNY tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập khẩu, ví dụ như với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, là các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, bắt buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu, do vậy nếu giá cao vẫn phải mua. Theo đó, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng theo, dẫn đến sản phẩm từ kho đến tay người dùng cuối sẽ tăng khoảng 10%.
Khi đồng CNY tăng giá sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập khẩu, ví dụ như với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, là các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được (ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh đó, không chỉ nhập khẩu, mà cả xuất khẩu cũng gặp khó, theo vị này, nhiều khả năng doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc càng to nguy cơ lỗ càng lớn. Lý do là bởi: "Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô, nguyên liệu tinh từ thị Trung Quốc bằng USD (giá rẻ) sau đó ra thành phẩm xuất ngược trở lại. Khi đó, chúng ta xuất sang bằng USD với giá rẻ và nhận về CNY giá cao, chênh lệch tỷ giá như vậy sẽ khiến doanh nghiệp chịu lỗ".
Vị doanh nhân cũng nói thêm, việc lãi – lỗ còn phụ thuộc vào phần trăm trả bằng USD hay CNY khác nhau hay giữa các hình thức vận chuyển sang Trung Quốc. Nếu tỷ lệ phần trăm đối tác Trung Quốc trả bằng CNY cao thì doanh nghiệp Việt Nam lỗ, còn trong trường hợp trả với tỉ lệ USD lớn thì doanh nghiệp có lãi. Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài sẽ lãi còn doanh nghiệp Việt sẽ không lãi".
Còn với vấn đề tỷ giá của Việt Nam, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Capital nhận định, trong năm 2022, tỷ giá USD/VND có thể sẽ không tăng liên tục, mà cũng có thể sẽ có thời điểm giảm. Bởi vậy, các doanh nghiệp cần lựa chọn thời điểm hợp lý để sử dụng các công cụ phái sinh nhằm phòng ngừa hiệu quả rủi ro tỷ giá.
“Nếu tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp vấn đề lớn hơn trong bối cảnh các hợp đồng kinh tế có xu hướng ổn định. Với trường hợp như vậy, các doanh nghiệp phải có phương án mua ngoại tệ kỳ hạn, nhưng sẽ phải cân đối giữa chi phí kỳ hạn và đánh giá mức tăng.
Theo quan điểm của tôi, việc lãi suất liên ngân hàng đang rục rịch tăng trở lại thì giá kỳ hạn sẽ không còn rẻ nữa. Do đó, nếu mua ngoại tệ kỳ hạn, thì doanh nghiệp sẽ phải mua sớm ngay từ bây giờ.Riêng với doanh nghiệp xuất khẩu, nếu tỷ giá USD/VND càng tăng, thì doanh nghiệp càng có lợi nên sẽ không phải quá quan ngại”, ông Tuấn chia sẻ.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Trung Quốc thử 'sức mạnh mềm' của đồng Nhân dân tệ
Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh không chỉ là cơ hội để Trung Quốc thể hiện tiềm lực trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến và những nhạy bén, linh hoạt trong quá trình tổ chức.