Liên kết phát triển du lịch là bước đi cần thiết
Là địa hình mang tính chuyển tiếp giữa Tây nguyên với Nam bộ, Đông Nam bộ có tính chất chuyển tiếp của môi trường tự nhiên với đồi núi thấp dần và những dòng chảy của sông về vùng thấp để hướng ra biển, sông Đồng Nai cùng các chi lưu sông Bé, sông Sài Gòn và cả vùng nước lợ có những điểm thuận lợi để các cư dân cổ chọn tụ cư và sinh sống.
Đông Nam bộ hiện nay có nhiều tộc người thiểu số sinh sống lâu đời và chuyển cư sau này qua nhiều giai đoạn của lịch sử. Những dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đông Nam bộ gồm các tộc người sinh sống chủ yếu ở vùng đồi núi phía Bắc: S’tiêng, M’nông, Mạ, Chơro, K’ho, Khmer, Tà Mun.
Môi trường tự nhiên với hệ sinh thái rừng cùng với quá trình cộng cư đã tạo thành những nét văn hóa độc đáo của cộng đồng tộc người này qua tập quán, phong tục và đặc biệt những lễ hội liên quan đến nông nghiệp với môi trường bán sơn địa. Trong đời sống của các tộc người này có những loại hình tương đồng: ẩm thực (cơm lam, rượu cần…), nghệ thuật (hát kể, dân vũ, cồng chiêng, đàn tre…) song cũng có những nét độc đáo.
Mỗi tộc người có những ứng xử cộng đồng, môi trường trong những lễ nghi liên quan chu kỳ đời người, vòng cây trồng như lễ hội Sang yang va/mừng thần lúa của người Chơro, Yang Koi/thần Lúa và cúng bến nước, cúng thần Rừng của người Mạ… Trong những loại hình văn hóa, lễ hội Đua Tpeng người S’tiêng, Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng, múa trống Chay dăm người Khmer (Bình Phước) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một số lễ hội khác như Sa Yang va của người Chơro (Đồng Nai) đang địa phương nghiên cứu, làm hồ sơ khoa học đề nghị công nhận.
Các giai đoạn lịch sử về sau, nhiều tộc người thiểu số ở miền Bắc đến Đông Nam bộ sinh sống khá nhiều qua chính sách kinh tế của Nhà nước và cả di dân tự do. Sự chuyển cư của Mường, Tày, Nùng, Dao, Thái… đến Đông Nam bộ đã góp phần tạo nên bức tranh đa sắc màu với những loại hình: hát then của người Tày, đàn tính của người Thái, lễ đặt tên của người Dao, lễ Tà tài phán của người Nùng… về văn hóa tộc người.
Mỗi địa phương trong khu vực Đông Nam bộ đều có thế mạnh, tiềm năng về sản phẩm du lịch khác nhau. Vì vậy, việc liên kết phát triển du lịch là một bước đi cần thiết để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương vùng Đông Nam bộ.
Từ đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xoá bỏ hình thức làm du lịch manh mún, tạo nên những sản phẩm du lịch và dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng, tiêu chuẩn cao, xứng tầm quốc gia, hướng tới nâng tầm quốc tế.
Hỗ trợ nhau cùng phát triển
Thời gian qua, việc hợp tác xây dựng và quảng bá văn hoá truyền thống, các chương trình du lịch kết nối các tỉnh trong địa bàn và địa bàn với các địa phương trong cả nước được xúc tiến.
Đơn cử, đầu năm nay, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và Tây Ninh tổ chức hội nghị ký kết hợp tác phát triển lĩnh vực VH-TT&DL giai đoạn 2023-2025. Theo chương trình hợp tác được ký kết, giai đoạn 2023-2025, giữa tỉnh Bình Phước và 2 tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh sẽ phối hợp, hỗ trợ kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, công tác gia đình, di sản văn hóa; tổ chức hoạt động trưng bày, triển lãm về lịch sử, văn hóa luân phiên; cử đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải thể thao khu vực, quốc gia do các địa phương đăng cai tổ chức. Đồng thời, mỗi địa phương sẽ làm đầu mối để các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch trao đổi kinh nghiệm, liên kết hợp tác phát triển, phối hợp tổ chức các chương trình khảo sát, quảng bá sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến điểm du lịch kết nối của từng địa phương.
Mục tiêu chương trình hợp tác nhằm phát huy, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các nguồn lực về lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch của hai địa phuơng để hỗ trợ nhau cùng phát triển, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của 3 tỉnh trong thời gian tới.
“Tình đất đỏ miền Đông”
Ngoài ra, Bình Phước và Tây Ninh sẽ hợp tác đưa các loại hình nghệ thuật văn hoá như: nghệ thuật múa trống Chhay-dăm, múa mâm vàng (Tây Ninh) và nghệ thuật trình diễn cồng-chiêng của đồng bào S’tiêng, nghệ thuật biểu diễn đàn đá (Bình Phước) biểu diễn tại các điểm đến du lịch của hai tỉnh.
Ngày 5/6, Sở VH,TT&DL tỉnh Tây Ninh và Bình Phước đã phối hợp tổ chức khảo sát xây dựng chương trình du lịch kết nối Tây Ninh - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông” năm 2023. Chương trình kết nối cũng tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động liên kết hợp tác, giao thương giữa các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ du lịch và hình thành chương trình du lịch kết nối 2 địa phương; xúc tiến, quảng bá du lịch 2 địa phương.
Sau khi ký kết, phía tỉnh Bình Phước tiến hành khảo sát các điểm đến, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước và Tây Ninh; tổ chức 6 đợt công tác làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang triển khai tổ chức các chương trình du lịch tới Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ.
Sở VH,TT&DL Tây Ninh cũng cho biết, ngành cũng đã triển khai xây dựng các chương trình, tuyến du lịch về nguồn, phát triển du lịch rừng, du lịch sinh thái. Cụ thể, Ban Quản lý (BQL) Căn cứ Trung ương Cục miền Nam của Tây Ninh và BQL Căn cứ Tà Thiết của Bình Phước thống nhất hỗ trợ cung cấp thông tin, cung cấp các sản phẩm dịch vụ của điểm đến để phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng các chương trình, tuyến du lịch về nguồn; BQL Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát và BQL Vườn quốc gia Bù Gia Mập phối hợp, trao đổi kinh nghiệm quản lý, khai thác rừng nhằm phát huy tối đa lợi thế du lịch rừng, du lịch sinh thái của 2 địa phương.
Sở VH,TT&DL tỉnh cũng xây dựng tour du lịch văn hoá, tâm linh. Theo đó, Công ty Du lịch Vietravel Chi nhánh Tây Ninh đã khảo sát, xây dựng chương trình, tuyến núi Bà Đen - núi Bà Rá để kết nối 2 điểm du lịch tâm linh của 2 địa phương.