Lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Trường đại học Lạc Hồng tham quan Phòng Thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0 tại Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: L.H. |
Trong đó, việc thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuyển đổi số hạ tầng các KCN sẽ góp phần khuyến khích các DN chuyển đổi số, gia tăng tỷ lệ về tự động hóa, phát triển hoạt động công nghiệp phụ trợ liên quan đến công nghệ số…
Triển khai các giải pháp trọng tâm
Theo Sở Thông tin và truyền thông, sở sẽ triển khai các giải pháp nhằm kết nối, hỗ trợ, tăng cường liên kết vùng trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong các DN tại KCN trên địa bàn.
Trong đó, sở sẽ triển khai các nhiệm vụ định hướng của Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (công nghiệp ICT) - Bộ Thông tin và truyền thông trong tổng thể bài toán về tăng trưởng xanh, đưa chuyển đổi số thẩm thấu vào mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh và phân bổ không gian các ngành có lợi thế, tạo liên kết vùng Đông Nam Bộ.
Theo Sở Thông tin và truyền thông, trong thời gian tới, sở sẽ lựa chọn, triển khai thí điểm một số sản phẩm công nghệ số “made in Viet Nam”, sản phẩm công nghệ số từ các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ từ tổ chức khoa học - công nghệ mạnh trong vùng Đông Nam Bộ… để minh chứng cho tác động tích cực của chuyển đổi số đến việc thực hiện mục tiêu phát triển của DN, khu công nghệ cao, KCN…
Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Tạ Quang Trường cho biết, các nội dung cụ thể Sở Thông tin và truyền thông sẽ thực hiện trong thời gian tới gồm: khảo sát, đánh giá hiện trạng chuyển đổi số của các KCN trên địa bàn. Tổng hợp nhu cầu chuyển đổi số của các DN trong KCN, khu chế xuất sẵn sàng triển khai chuyển đổi số, lĩnh vực cần chuyển đổi số. Sở sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm công nghệ số made in Viet Nam tại các KCN, khu chế xuất; chia sẻ kinh nghiệm và khả năng hợp tác chuyển đổi số với các KCN, khu công nghệ cao, khu chế xuất… trong vùng Đông Nam Bộ.
“Trong đó, trọng tâm là các công nghệ số cần thiết cho “xanh hóa”, tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu, giám sát tác động môi trường… tại các KCN, khu chế xuất và thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là các nền tảng quản lý việc thực hiện cam kết ESG (bộ 3 tiêu chuẩn về: môi trường, xã hội và quản trị) của DN. Đây là công cụ rất cần thiết để các DN tại Đồng Nai có thể giữ vững và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, đặc biệt là các DN xuất khẩu hàng hóa ra thị trường các nước phát triển”, ông Trường nhấn mạnh.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực
Đồng Nai hiện có nhiều KCN, DN về công nghệ đang hoạt động, quy mô nguồn nhân lực lớn… Việc triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các DN sản xuất luôn đi kèm với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực phục vụ các ngành sản xuất, chế tạo công nghệ cao.
Doanh nghiệp của Đồng Nai giới thiệu về các sản phẩm công nghệ số bên lề một chương trình tọa đàm do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức. Ảnh: Hải Hà |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ, để phát triển ngành công nghệ công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, Đồng Nai đã và đang tích cực tập trung phát triển hạ tầng, bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng công nghệ và hạ tầng xã hội, tập trung thu hút, chuyển giao khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh song song với thu hút đầu tư…
Thời gian qua, Trường đại học Lạc Hồng là một trong những đơn vị tích cực triển khai các hoạt động hợp tác, đào tạo về lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Trường đã có ghi nhớ hợp tác với các công ty công nghệ, trường đại học về hỗ trợ đào tạo, tài trợ thiết bị liên quan đến điện tử, sản xuất chíp bán dẫn, giúp sinh viên làm quen với quy trình sản xuất linh kiện bán dẫn chuyên nghiệp, lĩnh vực vi mạch bán dẫn…
Mới đây, đoàn công tác của Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Trường đại học Lạc Hồng vừa đến thăm và làm việc với Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu của chuyến thăm là nhằm kết nối, học tập kinh nghiệm mô hình ứng dụng chuyển đối số. Đặc biệt, đoàn đã tham quan phòng thí nghiệm nhà máy thông minh ứng dụng công nghiệp 4.0 do Tập đoàn Siemens tài trợ.
Dự án Phòng thí nghiệm nhà máy thông minh này được triển khai trên cơ sở hợp tác giữa Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Siemens (Đức) chuyển giao máy móc, thiết bị phần cứng - phần mềm, tập huấn cho cán bộ giảng viên của trường. Dự án này giúp sinh viên có khả năng phân tích, thiết kế, mô phỏng, sản xuất tự động hoá ứng dụng công nghệ 4.0; có khả năng phân tích, thiết kế hệ thống giám sát và điều khiển công nghiệp ứng dụng công nghiệp 4.0 tích hợp IoT (internet vạn vật).
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho biết lãnh đạo Trường đại học Lạc Hồng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Siemens tại Việt Nam để bàn về chiến lược hợp tác giữa hai bên. Trường đại học Lạc Hồng mong muốn dự án này sớm được triển khai tại trường trong thời gian tới. Trường dự kiến sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất khu phòng thí nghiệm có diện tích tối thiểu 500m2 để tiếp nhận dự án.
Theo Hải Quân (Báo Đồng Nai)