Tại Đồng Nai, CNHT được chú ý từ hơn 10 năm trước nên đến nay đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, xuất khẩu của ngành CNHT chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (hơn 10 tỷ USD/năm). Có nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã tham gia vào chuỗi sản xuất quan trọng của thế giới như: sản xuất linh kiện máy bay, tàu thủy, máy tính, máy móc công nghệ cao...
Đồng Nai được đánh giá là nơi cung ứng nguyên liệu đầu vào lớn và hiện đại hàng đầu của Việt Nam. Thời gian qua, nhiều DN Việt đã trở thành đối tác cung ứng cho những tập đoàn lớn như: Samsung, Kenda, Vision, Mitsubishi, LG, Bosch...
Từ rất sớm, tỉnh Đồng Nai đã căn cứ vào những quy định của Trung ương để ban hành những chính sách đặc thù hỗ trợ DN trên lĩnh vực CNHT trê địa bàn tỉnh một cách kịp thời. Bên cạnh đó là những bước đi hết sức chủ động để hiện thực hoá mục tiêu phát triển CNHT để giúp DN tăng tính cạnh tranh.
Cụ thể, tỉnh thành lập 27 cụm công nghiệp nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, trong đó DN ngành CNHT di dời vào để đáp ứng các yêu cầu về môi trường, nhà xưởng... có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cho biết, DN ngành CNHT khi di dời vào cụm công nghiệp sẽ nhận được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất. Đồng thời, tỉnh còn nhiều chính sách khác giúp DN sản xuất CNHT như: Tín dụng, xúc tiến thương mại để kết nối cung - cầu. Kết quả đã có những DN Việt trên lĩnh vực này tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khu công nghiệp Biên Hoà 2 - tỉnh Đồng Nai |
Theo số liệu Sở Công thương Đồng Nai, chỉ tính riêng lĩnh vực CNHT ngành dệt may, trên địa bàn tỉnh này đang có khoảng 137 doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, chiếm tỷ lệ 23% trong tổng số các doanh nghiệp lĩnh vực CNHT của tỉnh. Theo đó, sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may ở Đồng Nai vừa cung ứng cho thị trường trong nước, vừa xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Dệt may hiện đang là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Đồng Nai chỉ sau giày dép. Đồng Nai hiện đang là một trong 4 nơi cung ứng nguyên liệu cho ngành dệt may lớn nhất cả nước. Trong số các DN CNHT ngành dệt may, có khoảng 70% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sự phát triển của ngành CNHT đã bước đầu hình thành mối liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho các DN trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.
Đồng thời còn tạo áp lực đối với các DN khác muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu thì phải đổi mới công nghệ, quản lý và nâng cao năng lực cạnh tranh để khẳng định sự tồn tại và phát triển trên thị trường. Đây là bước đi tất yếu giúp các DN trong tỉnh tăng tính cạnh tranh nếu muốn “đi ra biển lớn”.
Hoàng Hiệp