Xây dựng nền tảng dữ liệu số

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực thực hiện xây dựng nền tảng dữ liệu số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, nhờ đó góp phần gia tăng sản lượng nông sản... Song song, các cấp, các ngành chuyên môn cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chính phủ điện tử trong cộng đồng. 

Ngay từ năm 2020, tỉnh đã ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý trang trại chăn nuôi. Cụ thể, qua phần mềm Te-food và truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ động vật. Phần mềm đã mang lại nhiều lợi ích tích cực, góp phần tạo thuận lợi cho người chăn nuôi trong quá trình chăm sóc, phòng chống bệnh dịch trên động vật, truy xuất rõ ràng nguồn gốc thực phẩm động vật, mang lại nguồn gốc sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Trong năm 2023, tỉnh Đồng Nai liên tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mang lại những hiệu quả triển vọng. Ước tính giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2023 của Đồng Nai đạt 153 triệu đồng/ha, tăng 7 triệu đồng/ha so năm 2022. Trong đó là có thêm 2 mô hình sản xuất hữu cơ với quy mô 16 ha được chứng nhận, 35 sản phẩm nông nghiệp được thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, 32 cơ sở xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản.

z5890966707041_a5468cb36157.jpg

Đồng Nai cũng là một trong số những tỉnh thành tiên phong triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc. Ngành nông nghiệp đã thực hiện việc xây dựng nền tảng dữ liệu số trong nhiều lĩnh vực. Đến nay, toàn tỉnh đang sử dụng 27 phần mềm/cơ sở dữ liệu ngành trong nhiều lĩnh vực gồm: phát triển nông thôn và quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; thủy lợi; thủy sản; lâm nghiệp; chăn nuôi và thú y; các phần mềm phục vụ công tác thanh tra, tổ chức quản lý, xử lý chồng chéo trong thanh - kiểm tra. Việc triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực thuộc ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. 

Về triển khai một cửa điện tử, cung cấp/công bố dịch vụ công trực tuyến, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã sử dụng phần mềm Egov trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính giữa các bộ phận. Hiện có 93 thủ tục hành chính thuộc 12 nhóm lĩnh vực, trong đó có 86 thủ tục được vận hành trên môi trường điện tử, chiếm tỷ lệ 93% tổng số thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trong năm 2022 gần 1,9 ngàn hồ sơ, chiếm tỷ lệ 98,3%.

Thời gian tới, Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022 về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/3/2022 và Kế hoạch chuyển đổi số của UBND tỉnh… để xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó chú trọng đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện.

5 nhóm giải pháp chuyển đổi số 

Tỉnh đặt ra mục tiêu chuyển đổi số của ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ. Cụ thể:

Thứ nhất, về phát triển nền tảng chuyển đổi số, ngành nông nghiệp cần tập trung các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người nông dân. Các cơ quan chức năng cần kiến tạo thể chế, tổ chức bộ máy tạo hành lang pháp lý để thực hiện. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an toàn thông tin.

Thứ hai, ngành nông nghiệp cần xây dựng cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật…

Thứ ba, tỉnh cần phát triển kinh tế số nông nghiệp như: ứng dụng công nghệ số trong tái cơ cấu, nâng cao năng lực quản trị, quản lý điều hành của các chủ thể sản xuất; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và liên kết tiêu thụ các sản phẩm, để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chất lượng; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp…

z5890966706775_a2ac5ab199d7.jpg

Thứ tư, cần phát triển nông dân số, nông thôn số qua xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng dữ liệu số nông nghiệp. Trong đó, cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt. Hợp tác xã và doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò nòng cốt. Người nông dân tham gia tích cực trong việc thu thập, chuẩn hóa, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Tỉnh xây dựng chuyển đổi số trong nông thôn mới, nông thôn mới thông minh, thông qua thí điểm 3 xã theo hướng nông thôn mới thông minh.

Thứ năm, tỉnh xây dựng một số mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Cụ thể như: mô hình quan trắc cháy rừng; nuôi tôm nước lợ; mô hình thông tin tuyên truyền và đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn dịch vụ trên nền tảng số; ứng dụng IoT trong sản xuất trồng trọt hệ thống giám sát điều kiện môi trường trồng trọt từ xa tích hợp tưới tiêu và bón phân tự động và điều khiển thông qua smartphone…

Đình Sơn