Đến nay, khi kết quả bầu cử ở Myanmar đã rõ, với chiến thắng thuộc về NLD của bà San Suu Kyi, Bắc Kinh lại quay ra bày tỏ hoàn toàn tin tưởng Myanmar sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao thân thiện hữu hảo với Trung Quốc.

Người hùng thầm lặng của Myanmar
Aung San Suu Kyi: Từ biểu tượng đến chính trị gia

Trước thềm cuộc tổng tuyển cử lịch sử tại Myanmar, tờ Thời báo hoàn cầu (Global Times) – một chi nhánh của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng sản Trung Quốc – đã có bài cảnh báo Nay Pyi Taw tránh quan hệ gần gũi mật thiết hơn với Mỹ, khi đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi được dự báo sẽ chiến thắng và nhiều khả năng sẽ được trao quyền lực từ chính phủ bán quân sự của ông Thein Sein.

Trong bài xã luận của mình, Global Times cảnh báo việc xích lại gần hơn với Mỹ sẽ là “một động thái ngu dốt, có thể hủy hoại không gian chiến lược và các nguồn lực mà Myanmar có thể có từ các chính sách thân thiện của Trung Quốc”.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Bắc Kinh từng là đồng minh thân cận nhất của Yangon trong những năm cuối chính quyền quân sự ở Myanmar. Họ cung cấp một “lá chắn” cho Myanmar trước những chỉ trích của quốc tế, và một chiếc “dây an toàn” trong vai trò một đối tác thương mại lớn của chính quyền quân sự. Tất nhiên, đôi bên cùng có lợi, quan hệ mật thiết với Myanmar cũng cho phép Trung Quốc khai thác tài nguyên thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho “phân xưởng thế giới”, nhiều đến mức làm dấy lên sự phẫn nộ trong dân chúng Myanmar.

Nhưng quan hệ của Trung Quốc với Myanmar đã “chuyển từ đặc biệt sang bình thường” từ cách đây 4 năm, khi chính quyền bán dân sự lên điều hành đất nước. Tổng thống Thein Sein đã chủ động quay lưng lại với người láng giềng phía Đông của mình, tiến hành các cải cách sâu rộng để thuyết phục các nước phương Tây dỡ bỏ cấm vận, đồng thời thu hút đầu tư ngoài Trung Quốc.

Hành động đầu tiên của ông khi lên nhậm chức là đình chỉ ngay dự án xây đập thủy điện Myitsone (liên doanh với Trung Quốc) tại bang Kachin. Quyết định này đã khiến chính quyền Bắc Kinh vô cùng tức giận và quan hệ hai nước xấu đi đáng kể.

Đầu năm nay, Bắc Kinh trách cứ nặng lời người láng giềng của mình sau khi một máy bay của Myanmar thả bom rơi trúng lãnh thổ Trung Quốc làm 5 công dân nước này thiệt mạng. Vụ việc càng khiến quan hệ song phương thêm phần lạnh nhạt.

Sự chuyển hướng của Myanmar dường như đã được xác định từ năm 2011 và đến cuộc bầu cử này được khẳng định rõ nét hơn: đó là sự dịch chuyển sang các giá trị phương Tây. Bắc Kinh khỏi cần đe dọa, người dân Myanmar đã tự chọn đường đi cho mình.

Đến nay, khi kết quả bầu cử ở Myanmar đã rõ, với chiến thắng thuộc về NLD của bà San Suu Kyi, Bắc Kinh lại quay ra bày tỏ hoàn toàn tin tưởng Myanmar sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao thân thiện hữu hảo với Trung Quốc. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Trung Quốc đang mất dần các đồng minh mà trước đây họ là “người bảo trợ” duy nhất. Sau khi Triều Tiên xích lại gần hơn với Nga, nay đến lượt Myanmar cũng dần tỏ ra độc lập với Trung Quốc.

Dù Bắc Kinh cố níu kéo bằng cách này hay cách khác - dọa nạt hay hoan nghênh - nhưng các đồng minh “cứng” của Trung Quốc trong khu vực đang lần lượt tách khỏi sự bao bọc của nước này, chỉ duy trì một quan hệ “bình thường” như với các nhà đầu tư khác.

Đức Đan