Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của thành phố Hải Phòng. Chính quyền số không thể thiếu sự phát triển của các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).

Hải Phòng xác định rõ lộ trình chuyển đổi số để đưa các dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân, trong đó sự thay đổi, trước hết phải đến từ những cán bộ, công chức trong bộ máy, để tạo xung lực, khuyến khích người dân sử dụng phổ biến các DVCTT.

Ngày 29/12, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng năm 2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường đã chia sẻ hành trình xây dựng chính quyền số mạnh mẽ, với trụ cột là đưa dịch vụ công trực tuyến trở thành quen thuộc, phổ biến với cán bộ công chức và người dân.

PSX_20241229_093258.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Hoàng Minh Cường phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 của Bộ TT&TT. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xây dựng động lực mới, thói quen mới 

Theo ông Hoàng Minh Cường, lộ trình chuyển đổi số của Hải Phòng cung cấp dịch vụ công bao gồm ba giai đoạn chính: tạo động lực, mở rộng phạm vi và tháo gỡ điểm nghẽn.

Đại diện UBND TP Hải Phòng chia sẻ, tại thời điểm đầu năm 2022, Hải Phòng đã tích hợp khoảng 30% tổng số thủ tục hành (TTHC) của thành phố lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến khi đó chỉ đạt 18%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ đề ra là 50%.

Nhận thức chuyển đổi số là vấn đề mới, UBND TP Hải Phòng chú trọng tạo động lực trước tiên từ đội ngũ cán bộ, công chức làm nền tảng để thuyết phục người dân sử dụng DVCTT. Cụ thể, Thành phố đã tính toán số liệu hồ sơ tiếp nhận và hồ sơ trực tuyến của 35 sở, ban, ngành, quận huyện và 217 xã phường, từ đó giao chỉ tiêu cụ thể đến từng đơn vị, gắn kết quả với trách nhiệm người đứng đầu để đánh giá. 

Song song với đó, chính quyền thành phố đã khuyến khích người dân sử dụng DVCTT bằng cách ưu tiên nhận hồ sơ trực tuyến vào một số ngày cụ thể, công khai danh mục chỉ nhận hồ sơ trực tuyến,…

Nhờ những nỗ lực trên, đến năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của thành phố đã đạt trên 90%, hồ sơ được số hóa đạt 92% và tỷ lệ hồ sơ phát sinh thanh toán trực tuyến đạt 60%.

Tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho hay, trong năm 2024, Thành phố đặt mục tiêu đưa 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện lên cổng dịch vụ công trực tuyến và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ngoài ra, các dịch vụ này cũng sẽ được tích hợp các phương thức thanh toán trực tuyến, xác thực điện tử và kết quả giải quyết thủ tục hành chính sẽ được số hóa.

Thời gian tới, Hải Phòng đặt mục tiêu hoàn thiện và “khơi thông” những điểm nghẽn còn lại để đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt 75% vào cuối năm 2025. Thành phố đã phân tích và xác định các nguyên nhân gây cản trở, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các điểm nghẽn trong quá trình chuyển đổi số.

“Một trong những vấn đề lớn là thủ tục chứng thực bản sao từ bản giấy, chiếm đến 21,4% tổng số hồ sơ trực tiếp. Đây là một thủ tục hành chính thiết yếu mà người dân sử dụng nhiều nhất, nhưng pháp luật hiện hành chưa yêu cầu thực hiện trực tuyến”, ông Hoàng Minh Cường cho biết.

Trước bài toán trên, đại diện UBND TP Hải Phòng thông tin, thành phố sẽ triển khai các giải pháp như giảm nhu cầu sử dụng chứng thực giấy tờ, bằng cách ưu tiên sử dụng kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa hoặc sử dụng hồ sơ điện tử. Đồng thời, thành phố cũng sẽ nâng cấp các dịch vụ chứng thực điện tử và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ người dân số hoá hồ sơ.

Ngoài ra, TP Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ hóa dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu chung, và nâng cao chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Thành phố cam kết đến năm 2025, các dịch vụ công trực tuyến sẽ được triển khai một cách thuận tiện và hiệu quả, mang lại lợi ích tối đa cho người dân.