Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Để triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, Đảng ủy EVN đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực, hiệu quả trên cơ sở thực tiễn và bám sát mục tiêu của Nghị quyết 20.

Theo đó, Đảng ủy EVN ban hành Nghị quyết số 11/NQ-ĐU ngày 22/9/2017 về “Phát triển khoa học, công nghệ đến 2020, tầm nhìn đến 2030”, trong đó khẳng định quan điểm: Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển tập đoàn; là một nội dung cần được ưu tiên đầu tư trước một bước trong các hoạt động của tập đoàn. Định hướng phát triển và ứng dụng KHCN của tập đoàn phải từng bước tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0); phát triển KHCN gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển tập đoàn nhanh và bền vững.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy EVN, tập đoàn đã hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 11: Đến năm 2020, KHCN điện đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN. Nhờ đồng bộ các giải pháp và ứng dụng hiệu quả KHCN, tới hết năm 2019, quy mô hệ thống điện Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á (ASEAN-2), chỉ số tổn thất điện năng đạt ASEAN-3, chỉ số tiếp cận điện năng đạt ASEAN-4…

Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện

Trước xu thế tác động ngày càng lớn của CMCN 4.0 vào mọi mặt của đời sống xã hội, Đảng ủy EVN cũng đã ban hành Nghị quyết riêng về “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 vào hoạt động SXKD của Tập đoàn” với mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, CNTT và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh đến dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Đến nay, đã có hơn 40 đề án/ dự án/ đề tài/ nhiệm vụ được EVN và các đơn vị triển khai xây dựng và thực hiện. Có thể nhắc đến một số ví dụ điển hình như, về lĩnh vực sản xuất điện: các nhà máy thủy điện mới đã ứng dụng công nghệ theo dõi trạng thái vận hành thiết bị theo điều kiện thực tế thiết bị và sửa chữa RCM; các nhà máy nhiệt điện đưa thiết bị đo lường điều khiển tiên tiến phục vụ vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa…

Đối với lĩnh vực truyền tải điện, cuối năm 2020 đã hoàn thành chuyển được 83% trên tổng số 854 trạm biến áp 220kV và 110kV có kế hoạch chuyển sang mô hình không người trực, ứng dụng công nghệ GIS giúp tin học hóa việc quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành, trang bị và sử dụng thiết bị bay không người lái trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải.

Trong lĩnh vực điều độ hệ thống điện, EVN đã vận hành hệ thống quản lý dữ liệu vận hành (SCADA/EMS), hệ thống CNTT cho vận hành thị trường điện. EVN cũng đã sử dụng hệ thống tự động điều khiển phát điện AGC (Automatic Generation Control), ứng dụng Tự động điều khiển các nhà máy điện để điều khiển xa các nhà máy điện mặt trời từ trung tâm điều độ của EVN, đảm bảo công khai minh bách và vận hành an toàn, tin cậy hệ thống điện…

Ngoài ra, EVN còn là một trong những đơn vị tiên phong triển khai văn phòng điện tử (E-Office) từ gần 20 năm trước đây. Đến nay, 100% các đơn vị của EVN đã sử dụng hệ thống E-Office để giải quyết công việc.

{keywords}
 EVN nhận Giải thưởng Doanh nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc năm 2020

EVN cũng triển khai ký số các văn bản điện tử trong toàn tập đoàn với kết quả hiện tại là hầu hết văn bản trong tập đoàn lưu hành qua hình thức điện tử, ngoại trừ văn bản mật phải quản lý theo quy định. Sau khi triển khai hệ thống văn phòng điện tử E-Office, các báo cáo văn bản giấy của EVN nói chung đã giảm được tới 86%, đem lại hiệu quả cao trong quản trị doanh nghiệp. Hiện nay, EVN cũng đang từng bước triển khai hệ thống phòng họp không giấy (E- cabinet).

Đặc biệt, trong công tác kinh doanh - dịch vụ khách hàng, từ năm 2013, EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước phát hành hóa đơn điện tử trên quy mô lớn. Việc phát hành hóa đơn điện tử không chỉ hiện đại hóa, thay đổi nghiệp vụ kinh doanh của EVN, mà còn góp phần tạo tiền đề cho các phương thức thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và giao dịch điện tử trên mạng giữa EVN và khách hàng.

Năm 2019, EVN đã đáp ứng điều kiện để cung cấp hợp đồng điện tử. Các giao dịch của khách hàng với EVN, từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng và thanh toán, đều được thực hiện trực tuyến thông qua nền tảng CNTT. EVN cũng là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên hoàn thành việc đưa toàn bộ dịch vụ điện cấp độ 4 kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Dưới sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua các nghị quyết chuyên đề về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, các Tổng Công ty Điện lực đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để CSKH.

Đặc biệt, EVN đã ứng dụng thành công chatbot - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn khách hàng. Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật lớn cho EVN, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện.

Theo đánh giá sơ bộ của đơn vị tư vấn độc lập, đến nay EVN đã hoàn thành trên 50% công việc theo lộ trình chuyển đổi số. Đại diện EVN cho biết, tập đoàn đặt ra mục tiêu đến 2022, cơ bản hoàn thành chuyển đối số, hoàn thiện ứng dụng các thành quả của cuộc CMCN 4.0.

H.Nam