Với UKVFTA, nhiều mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ có thuế suất về 0% trong vòng 5 năm (gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2 - 10%). Do đó, ngành gỗ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này.
“Đồ gỗ Việt Nam xuất đi Anh có khả năng cạnh tranh nhờ chi phí thấp, nguyên liệu tốt và chất lượng sản phẩm cao”, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh khẳng định.
Điểm cộng cho đồ gỗ là một số doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ của Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với nhà sản xuất Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã kịp ghi điểm là một trong những quốc gia xuất khẩu đồ gỗ sang Anh với trị giá 421 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần tại Anh.
Tuy nhiên, để đồ gỗ mở rộng thêm thị phần, khai thác được dư địa thị trường và ưu đãi thuế, doanh nghiệp Việt cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, giữ được khách hàng đã có và mở rộng tệp khách hàng với các sản phẩm mới. Bởi thực tế đồ gỗ có phạm vi tiêu thụ rất rộng, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thị trường nên khả năng tăng trưởng vẫn còn nhiều.
Với nhóm hàng nông sản, tăng trưởng luôn đi kèm khả năng đáp ứng tiêu chuẩn thị trường vô cùng khắt khe, nhưng nếu được chấp thuận sẽ có giá xuất khẩu cao.
Anh kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp. Nông sản chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hóa chất dưới ngưỡng tối đa cho phép (MRL) đối với từng loại sản phẩm. Hiện nay Anh đang áp dụng MRL theo tiêu chuẩn châu Âu.
Ngoài ra, để bảo hộ nông nghiệp và các vùng nông thôn kém phát triển, Chính phủ Anh tiếp tục duy trì chính sách hạn chế nhập khẩu một số loại nông sản bằng mức thuế nhập khẩu tương đối cao, hoặc chính sách hạn ngạch thuế quan trong khuôn khổ WTO và theo cam kết trong các FTA song phương.
Những tiêu chuẩn khắt khe này là động lực thay đổi sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn tận dụng dư địa tăng xuất khẩu sang Anh.
Duy Khánh, Nguyễn Doanh, Minh Hưng