Ngôn từ thấm đẫm đau thương
Đại dịch đã làm bộc lộ rất nhiều điều yếu kém trong bộ máy, trong điều hành, để lại nhiều hệ lụy, mất mát trong đời sống của dân. Thực tế đó được các vị đại biểu nhìn nhận không né tránh.
Phó chủ tịch thường trực QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đại dịch đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây tổn hại đến sức khỏe của nhân dân. Hơn 21.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, để lại niềm đau thương, mất mát to lớn.
“Ủy ban Thường vụ QH chia sẻ sâu sắc về những tổn thất mà nhân dân đã phải gánh chịu; xin được tôn vinh đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã quên mình phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”, ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh, trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện nghị quyết 30/2021/QH15, khẳng định thêm, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề...
Đại biểu QH và khách mời mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Ảnh: TTXVN |
Bà cho biết, có 2.093 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, trong đó có hơn 1.500 em của TP.HCM, gây ra những tác động lâu dài như khó khăn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn về học tập, nguy cơ cao về bị bạo lực, xâm hại...
Bên cạnh đó, nhiều lao động phi chính thức bị rơi vào trạng thái dễ tổn thương do không có việc làm và thu nhập; vẫn còn không ít lao động tự do, những người không đăng ký tạm trú phản ánh là chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng mắc kẹt tại các địa bàn phong tỏa ở đô thị lớn.
Những nhận định thẳng thắn, không né tránh trên đã khắc họa sự mất mát về nhân mạng của các nạn nhân Covid-19, những khổ đau và bế tắc của những người đang sống và cảnh cùng cực của không ít người dân bị tác động bởi đại dịch. Quốc hội đã nói được nỗi lòng của nhân dân.
Phá bỏ sơn son thiếp vàng
Trước khi khai mạc QH, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã có bài phát biểu trong một sự kiện khai trường, trong đó ông nhấn mạnh: Đại dịch như một cơn mưa rào gột sạch sơn son thiếp vàng của nhiều bộ phận trong xã hội ngày nay.
Nhận xét của đại biểu Hiếu không thể đúng hơn, đặc biệt là sự lúng túng của chính quyền địa phương, trong nhiều trường hợp thực hiện các biện pháp chống dịch cực đoan, làm đứt gãy sản xuất, lưu thông và phá vỡ sinh kế của dân - điều được phản ánh rõ qua báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội.
Theo đó, có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Ví dụ, ở tỉnh Hà Nam, chỉ sau vài giờ ban hành quyết định áp dụng Chỉ thị 16 CT/TTg với toàn bộ thành phố Phủ Lý thì lại ra quyết định điều chỉnh, thu hẹp và giãn cách một phần của 12 xã, phường. Còn Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường…
Những nhận xét trên của QH được Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp thu. Ông cho hay, công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam.
Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân.
Việt Nam tiếp cận nguồn vắc xin so với một số nước trên thế giới còn chậm |
Thủ tướng thừa nhận, việc tiếp cận nguồn vắc xin so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu; việc mua vắc xin chịu nhiều rủi ro, phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp. Năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu.
Hơn nữa, việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ rất lớn. Theo Thủ tướng, thống kê bước đầu cho thấy, khoảng hàng chục triệu người cần hỗ trợ trong cùng một thời điểm; riêng TP.HCM hỗ trợ cả 3 đợt lên đến khoảng 7,5 triệu người.
Thủ tướng nhìn nhận, tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong các khu cách ly, phong tỏa, các địa bàn tâm dịch. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; số lượng người lao động tạm ngừng việc, thiếu, mất việc làm gia tăng. Đời sống tinh thần, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức khá cao.
Tinh thần thẳng thắn của Thủ tướng
Thời khắc khó khăn nhất của đợt dịch bệnh lần thứ 4 này, có lẽ, đã ở phía sau. Đây là lúc nhìn nhận lại một số nguyên nhân trong điều hành.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng khẳng định, “nguyên nhân chủ quan chủ yếu” là do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.
Các đại biểu QH dự phiên khai mạc. Ảnh: TTXVN |
Ông cho rằng, năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế; việc thực hiện các biện pháp, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa nghiêm, áp dụng thiếu nhất quán, chưa linh hoạt.
Hơn nữa, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân vẫn còn phiền hà...
Ông cam kết, từ giờ đến cuối năm tiếp tục thúc đẩy viện trợ, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vắc xin, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ đưa ra Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt. Khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Như vậy, trong tư duy và điều hành của Thủ tướng, của Chính phủ sẽ tiếp tục nhấn mạnh vào mặt trận kinh tế, trong khi vẫn phải tiếp tục giữ cho bằng được mặt trận y tế.
Ở các mặt trận đó cần sự khôn khéo, quyết đoán, đồng tâm thay vì cát cứ, chia cắt của cả hệ thống hành pháp, cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của hệ thống lập pháp.
Tư Giang
Nữ Giám đốc sở và câu chuyện chống dịch ở Thủ đô
Là cửa ngõ thông thương với tất cả các tỉnh, Hà Nội luôn đối diện với nguy cơ dịch bệnh rình rập. Cuối tháng 7, có những ngày Thủ đô ghi nhận hơn 100 ca nhiễm, cả thành phố căng như dây đàn.