Thị trường bất động sản năm 2020 kỳ vọng khởi sắc hơn, nhưng ngay đầu năm lại chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc Cấp cao của CBRE cho biết, nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 9 sẽ chứng kiến sụt giảm ở nhiều phân khúc, nhưng sự sụt giảm đó ở mức chấp nhận được của thị trường. Nguồn cầu về nhà ở vẫn rất cao. Do chịu yếu tố bất khả kháng nên thị trường chững lại.
Khảo sát cho thấy, những doanh nghiệp chưa kịp triển khai đưa nguồn cung mới ra thị trường trong quý 1 phải dời kế hoạch, đợi thời điểm thị trường tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp thông tin sẽ đưa ra sản phẩm mới trong quý 2/2020.
Giới kinh doanh cho rằng, dịch Covid-19 khiến thị trường trầm lắng, nhiều chủ dự án buộc phải gia tăng khuyến mại để thu hút người mua.
BĐS đứng trước khó khăn của Covid 19 |
Đại diện CBRE cho biết, theo ghi nhận tại quý I chưa thấy có tình trạng “bán tháo”. Tại thị trường cao cấp, giao dịch chững lại vì chủ đầu tư không thể mở chào bán vì lý do hạn chế tụ tập đông người. Việc rao bán cũng khó khăn do người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc với người lạ. Nguồn cầu vẫn khá lớn.
“Người mua nhà và chủ đầu tư trong trạng thái chờ đợi. Hiện tại hầu hết các chủ đầu tư đều giữ nguyên giá bán. Giá bán căn hộ vẫn bình ổn so với quý trước”, đại diện CBRE cho biết.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp cần nỗ lực sáng tạo nhiều giải pháp đột phá để mở vòng “kim cô” cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty địa ốc Thắng Lợi Group tung gói tài trợ 100 tỷ đồng cho người mua nhà. Doanh nghiệp này chiết khấu 50% giá bán phân khúc nhà ở một số dự án...
Trong khi đó, Vinhomes tung ra chính sách mua nhà tặng voucher ôtô trị giá 200 triệu đồng cho khách hàng. Ngoài ra, một số chủ đầu tư áp dụng các chính sách ưu đãi, thưởng lớn trên các kênh giao dịch online...
Không chỉ tăng khuyến mại, các đơn vị cũng tập trung vào những mảng có nhu cầu thực. Hải Phát Land quyết định những chiến lược dịch chuyển thị trường, đó là tập trung vào các thành phố lớn, nơi có nhu cầu ở thực. Điều này giúp số lượng giao dịch đất nền và căn hộ có giảm nhưng không bị sụt hẳn. Đại Phúc Land thực hiện thay đổi chiến lược đầu tư, quyết định tập trung đầu tư vào các dự án bất động sản xanh.
Khó giảm thêm
Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 lên thị trường BĐS, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS trong thời gian ngắn hạn.
Theo các chuyên gia, thị trường khó có khả năng giảm giá sâu trên diện rộng. Nếu người mua nhà kỳ vọng thị trường nhiều khó khăn thì giá nhà ở sẽ giảm là điều khó có thể đạt được.
Nhóm có nhu cầu thực sự vẫn đang vượt quá số cung của thị trường hiện nay nên giá bán cơ bản vẫn ổn định, không tăng nhưng cũng khó xảy ra giảm mạnh như nhiều nhận định.
BĐS khó có thể giảm giá mạnh |
Bên cạnh đó, giá nhà ở đang được nhiều yếu tố nâng đỡ từ nguồn cung mới hạn hẹp; giá đất tăng cao vì quỹ đất trống ngày càng ít dần. Chi phí đầu tư của doanh nghiệp bị đội lên khi quy trình và thời gian triển khai dự án kéo dài, cộng với áp lực về lãi suất vay, khó huy động nguồn vốn ngân hàng và mặt bằng lương điều chỉnh tăng qua hàng năm.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Covid-19 đang khiến thị trường chững lại bởi BĐS không phải như hàng hoá thông thường khác có thể mua nhanh, bán nhanh mà cần có sự tìm hiểu kỹ của người mua cũng như tư vấn kỹ càng của người bán. Trong khi đó bối cảnh hiện nay nhiều đơn vị phải gấp rút phòng chống dịch nên có phần không thể triển khai. Nhưng về lâu dài thị trường vẫn trong xu thế ổn định.
Đối với nhà đầu tư có năng lực về tài chính và không phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường, đây có thể là cơ hội để lựa chọn những dự án đúng với mục tiêu đầu tư của mình, phù hợp các tiêu chí lựa chọn về vị trí, tiến độ pháp lý và xây dựng, uy tín chủ đầu tư, tiềm năng phát triển của khu vực... và đặc biệt là mức giá.
Thực tế, trong 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản vẫn có những tín hiệu tích cực và khởi sắc ở một số phân khúc, trong đó BĐS nhà ở vẫn cho thấy nhu cầu cao của người dân.
Sau dịch, nhiều khả năng thị trường BĐS sẽ có cơ hội lớn để thu hút tốt dòng vốn FDI. Khi dòng tiền đổ vào Việt Nam nhiều thì tốt cho cả nền kinh tế và bất động sản.
Duy Anh