Sôi nổi các mô hình phụ nữ DTTS chung tay đẩy lùi hủ tục
Chị Thò Thị Say, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) là người phụ nữ dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở vùng đá núi đã hơn 40 năm nên chị hiểu được những hủ tục đã khiến đói nghèo đeo bám người dân bao đời nay. Khi thành lập mô hình “Dòng họ Thò không giết mổ quá 1 con bò và 6 con gia súc trong đám tang”, chị đã nhiệt tình hưởng ứng và động viên các hộ trong dòng họ cùng tham gia.
Chị Say chia sẻ: “Trước đây, trong dòng họ mỗi khi nhà nào có người chết đều rất tốn kém. Bao nhiêu gia súc trong nhà phải mổ hết để làm ma nên có nhiều hộ đang khá giả lại trở thành hộ đói, nghèo. Thậm chí có hộ phải làm lụng cực nhọc cả chục năm sau mới có tiền làm ma cho người thân. Bây giờ được tuyên truyền nên mọi người đã dần hiểu nên không giết mổ nhiều gia súc nữa. Nhiều hộ cũng cam kết không làm đám ma dài ngày và đưa người chết vào áo quan”.
Nhằm đẩy lùi hủ tục trong việc tang, Hội PHPN các cấp tỉnh Hà Giang đã tích cực tuyên truyền các dòng họ thực hiện không giết mổ nhiều gia súc; không tổ chức đám tang quá 48 giờ; vận động đưa người chết vào áo quan.
Đồng thời, thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ 3 không” (không ăn, ở mất vệ sinh; không vi phạm chính sách dân số; không mê tín, dị đoan) tại Vị Xuyên; mô hình “Chi hội phụ nữ gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh” tại 18/18 cơ sở hội ở Yên Minh; mô hình “Hội nàng dâu họ Giàng tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu” tại Quang Bình; 19 tổ “Phụ nữ xách làn/túi dân tộc/quẩy tấu đi chợ” tại các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang, Thành phố Hà Giang, Xín Mần. Duy trì và nhân rộng 925 “địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng; 649 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc; 546 tổ “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”; hỗ trợ hàng trăm hộ cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Vai trò tiên phong, nòng cốt của các cấp hội phụ nữ tỉnh Hà Giang
Trước tình trạng nhận thức của hội viên phụ nữ không đồng đều, đời sống nhiều khó khăn, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội LHPN trong tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khẳng định vai trò, vị thế phụ nữ.
Đặc biệt, phát huy vai trò phụ nữ tuyên truyềnthực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đổi mới, nâng cao hiệu quả phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp Hội trong việc lãnh đạo thực hiện công tác xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh.
Mặt khác, phát huy vai trò người có uy tín trong dòng họ, hội nghệ nhân dân gian, các mô hình hiệu quả ở địa phương để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và trực tiếp tham gia thực hiện xóa bỏ hủ tục. Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ, nhân dân tích cực và đi đầu hưởng ứng, đưa vào hương ước, quy ước của thôn để tuyên truyền, vận động. Kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu chấp hành hoặc vi phạm.
“Xác định bài trừ hủ tục không phải việc có thể làm ngay nên các cấp Hội tiếp tục vận động 100% các hộ hội viên, phụ nữ thực hiện tốt 8 tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, tham gia xây dựng Nông thôn mới; xử lý rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm trong sảnxuất và tiêu dùng; phối hợp mở các lớp học chữ và nói tiếng phổ thông cho hội viên, phụ nữ còn mù chữ, tái mù chữ tại địa phương.
Để tiếp tục khẳng định vai trò phụ nữ, Hội sẽ triển khai hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Chu Thị Ngọc Diệp chia sẻ.