Dòng họ Phan Huy ở Hà Tĩnh vang danh cả nước về truyền thống hiếu học, khoa bảng, có nhiều hiền tài được sử sách lưu danh. Trong đó, có 3 cha con Phan Huy Cẩn cùng đỗ tiến sĩ, đóng góp nhiều công trạng cho đất nước.
LỜI TÒA SOẠN
Với tuyến Mảnh đất, dòng họ khoa bảng, VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả các câu chuyện về những dòng họ, vùng đất nổi danh một thời về con đường học tập, rèn luyện. Nơi đây không chỉ có những danh nhân đỗ đạt, đóng góp lớn cho quê hương, đất nước, họ còn để lại cho hậu thế gia tài quý báu về tấm gương học tập, cống hiến và nguồn tri thức văn hóa - giáo dục. Trong dòng chảy đó, dòng họ Phan Huy ở Hà Tĩnh cũng vang danh cả nước khi xuất hiện nhiều hiền tài, được sử sách lưu danh...
3 cha con cùng đỗ tiến sĩ
Về làng Thu Hoạch, nay là xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) dòng họ Phan Huy nổi tiếng có nhiều hậu duệ tên tuổi, lưu danh sử sách. Dòng họ này được dân gian truyền lại bằng câu: “Võ Hạ Hoàng, Văn làng Thu hoạch”, ngụ ý ở làng Thu Hoạch có dòng họ Phan Huy nổi tiếng về giỏi văn, khoa bảng và sĩ hoạn (người làm quan).
Nơi đây có nhà thờ họ Phan Huy được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Hiện nay, nhà thờ còn giữ gìn 28 sắc phong vua chúa đã ban thưởng cho các bậc tiền nhân.
Lần theo gia phả của dòng tộc, ông Phan Huy Anh (57 tuổi, quyền tộc trưởng dòng họ Phan Huy) tự hào cho biết, đến nay, dòng họ phát triển gần 400 năm cùng 18 đời con cháu. Thủy tổ của dòng họ là cụ Trằm, một người nông dân giỏi âm nhạc, ca hát.
Giai đoạn dòng họ phát triển rực rỡ nhất có các vị tướng võ hiển hách, còn có nhiều người thành danh tiến sĩ, làm quan lớn là từ đời thứ 7 khoảng vào nửa sau thế kỷ 18, đời vua Lê Hiển Tông.
Niềm tự hào của dòng họ là cụ Phan Huy Cẩn (1722-1789), người khai khoa cho dòng họ, đỗ tiến sĩ đầu tiên. Cụ Phan Huy Cẩn được mệnh danh là danh thần, tài đức vẹn toàn, yêu nước, thương dân. Cụ hai lần đỗ đầu làm quan và được nhiều lần vua ban thưởng.
Ông Anh cho biết, cụ Phan Huy Cẩn sau khi đỗ đạt cao làm quan to, cụ trở về quê hương phục dựng nhà thờ Phan Huy ở làng Thu Hoạch, hiện cụ là nhân vật được thờ chính sau cụ tổ.
Theo sử sách của dòng tộc, cụ Phan Huy Cẩn sớm mồ côi cha mẹ, được bà ngoại nuôi dưỡng. Từ nhỏ, cụ đã bộc lộ sự thông minh, ham học, 15 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng vì giỏi văn chương.
Ông Anh kể, dù nhà rất nghèo nhưng cụ Phan Huy Cẩn quyết tâm theo nghiệp học hành, đọc sách lập nghiệp. Do học rộng, hiểu sâu đến khoa thi Giáp Tuất năm 1754 đời Lê Hiển Tổng cụ thi hội nguyên đỗ đồng tiến sĩ năm 33 tuổi.
Sau khi đỗ đạt cao, cụ được làm Hiến sát Hải Dương, thời gian sau cụ được tiến cử vào trong triều đình làm Phiên ở Phủ liêu.
Thời làm quan trong triều, cụ nổi tiếng ngay thẳng, không xu nịnh nên vào năm 1759 cụ bị cận thần chúa Trịnh Doanh là Đỗ Thế Giai hãm hại, bị cách chức. Sau khi bị cách chức, cụ trở về quê dạy học, trong vòng 8 năm.
Theo sử liệu, mùa xuân năm 1767, Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm nối ngôi, đại quan Nguyễn Bá Lân tiến cử cụ Phan Huy Cẩn tiếp tục ra làm quan.
Trong thời gian làm quan cụ Phan Huy Cẩn được đánh giá là người tài năng, liêm chính. Cụ được mệnh danh nhà chính trị tài ba, nhà sử học uyên bác. Thời làm quan, cụ Phan Huy Cận từng giữ các chức: Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Bồi tụng, Nhập thị Kinh diên kiêm Nhập thị Bồi tụng, Quốc sử Tổng tài, Lễ bộ Tả Thị lang.
Đến năm 1788 vì tuổi cao, sức yếu, cụ Phan Huy Cẩn cáo quan về quê. Không chỉ đỗ đạt vinh hiển, cụ Phan Huy Cẩn còn rất thành công trong việc nuôi dạy con cái, lấy việc học làm đầu nên ai cũng thành tài, rạng danh, trong đó có 2 người con đỗ tiến sĩ, giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình.
Con trai cả của cụ Phan Huy Cẩn là Phan Huy Ích (1751-1822), thông minh, sáng dạ, năm Ất Mùi (1775), Phan Huy Ích đỗ Hội nguyên tiến sĩ năm 25 tuổi. Khoa thi năm đó có 18 tiến sĩ, cụ là người đứng đầu, làm quan 3 triều đại.
Hội nguyên tiến sĩ Phan Huy Ích được lịch sử ghi nhận không chỉ là một vị công thần thời Tây Sơn mà còn là nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba, là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo xuất sắc để lại nhiều tác phẩm Văn học có giá trị.
Tiếp nối mạch nguồn của gia đình, sau khi anh trai Phan Huy Ích đỗ tiến sĩ thì em trai Phan Huy Ôn (1755-1786) cũng đậu tiến sĩ tam giáp khoa Kỷ Hợi (1779).
Sau khi đỗ đạt, Phan Huy Ôn được bổ chức đốc đồng Sơn Tây, thăng hàn Lâm thị chế, Tham đồng đê lĩnh, Thiên sai trị công phiên, Tước Mỹ xuyên bá. Cụ mất vào năm 32 tuổi, sau khi mất được tặng chức Hàn lâm thị giảng, Tước Mỹ xuyên hầu.
Dòng họ Phan Huy tự hào khi có ba cha con cụ Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Ôn được ghi danh tại Văn miếu Quốc tử Giám (Hà Nội).
Bảng vàng rực rỡ
Ông Phan Huy Anh cho biết, các thế hệ tiếp theo của cụ Phan Huy Cẩn đã kế thừa và phát dương nếp nhà, đóng góp nhiều bậc hiền tài, cống hiến cho quốc gia và xã hội từ nhiều lĩnh vực như: Văn chương, Lịch sử, Ngoại giao, Văn hóa, Giáo dục.
Tiếp nối mạch nguồn văn hóa, dòng họ Phan Huy còn có nhiều bậc danh tài, văn sĩ như: Phan Huy Sảng, Phan Huy Vịnh, Phạm Huy Thực, Phan Huy Dũng, Phan Huy Tùng… cũng như nhiều nhân vật khác làm rạng danh tổ tiên, dòng họ.
Được sử sách lưu danh còn có một con người đầy tài hoa là cụ Phan Huy Chú (1782 – 1840), một nhà bác học có kiến thức uyên sâu. Cụ Phan Huy Chú là con trai thứ ba trong 6 người con của cụ Phan Huy Ích, sinh ra trong một gia đình ông nội, cha, chú, anh em nhiều người học rộng tài cao, thi cử đỗ đạt.
Mặc dù, cụ Phan Huy Chú thi không đỗ cử nhân, tiến sĩ, chỉ đậu tú tài song cụ là người thông minh, hiếu học biết nhiều, biết rộng nên được bổ làm Biện tu ở Viện hàn lâm triều Nguyễn.
Sinh thời cụ Phan Huy Chú có cống hiến rất lớn cho dân tộc, cụ đã để lại cho dân tộc một công trình khoa học đồ sộ, đó là bộ Lịch triều hiến chương loại chí, được xem là “bách khoa toàn thư’’ đầu tiên của Việt Nam và nhiều bộ sách ghi chép về địa lý, lịch sử có giá trị lớn.
Người đời tôn vinh, nhắc tên cụ Phan Huy Chú là nhà bác học uyên sâu, nhà thơ lớn tài năng.
Ông Phan Huy Anh chia sẻ, truyền thống hiếu học của dòng họ có bề dày lịch sử là nhờ thế hệ này duy trì sang thế khác. Kế tiếp, truyền thống dòng họ có Giáo sư Phan Huy Lê (1934-2018), người có những cống hiến to lớn cho nền sử học nước nhà.
Theo ông Anh, dòng họ đến nay là 18 đời, có 21 tiến sĩ, 8 giáo sư- phó giáo sư, 1 nhà bác học, 27 thạc sĩ, 167 cử nhân và nhiều người giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước.
“Không chỉ ở Hà Tĩnh, một số địa phương khác trên cả nước có những ngôi trường, con đường mang tên những danh nhân Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú... Đó là niềm tự hào, vinh dự của con cháu dòng họ Phan Huy vừa lời nhắc nhở con cháu tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp để dòng họ mãi rạng danh”, ông Phan Huy Anh nói.
Làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) được biết đến là “làng khoa bảng”, nơi đây vẫn còn tấm bia ghi danh 11 vị tiến sĩ. Tiếp bước truyền thống hiếu học, đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ.
Trong số 82 văn bia tại Văn miếu Quốc Tử Giám có khắc tên hai cha con cùng đỗ đại khoa là Trạng nguyên Giáp Hải và Tiến sĩ Giáp Lễ. Những giai thoại kể về sự hiếu học và đỗ đạt vinh hiển ấy luôn là niềm tự hào của dòng họ Giáp tại Bắc Giang.