LỜI TÒA SOẠN

Với tuyến Mảnh đất, dòng họ khoa bảng, VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả các câu chuyện về những dòng họ, vùng đất nổi danh một thời về con đường học tập, rèn luyện. Nơi đây không chỉ có những danh nhân đỗ đạt, đóng góp lớn cho quê hương, đất nước, họ còn để lại cho hậu thế gia tài quý báu về tấm gương học tập, cống hiến và nguồn tri thức văn hóa - giáo dục. 

Cha đỗ trạng nguyên có con thành tiến sĩ

Về làng Dĩnh Kế, nay thuộc thành phố Bắc Giang, có dòng họ Giáp nổi danh vùng đất Kinh Bắc xưa vì truyền thống khoa bảng, hiếu học. Trong đó, Trạng nguyên Giáp Hải (1517-1586) là danh nhân khoa bảng tiêu biểu, lẫy lừng, suốt 48 năm phụng sự 5 đời vua nhà Mạc.

Lật lại những trang ghi chép về lịch sử gia tộc, ông Giáp Đại Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáp tộc Việt Nam, tự hào cho biết họ Giáp hình thành vào khoảng thế kỷ thứ X, là đại tộc thành danh trạng nguyên, tiến sĩ. Dòng họ luôn tự hào khi có Trạng nguyên Giáp Hải (Trạng Kế), người được ghi danh tại văn bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội).

z5244676752629 50cfe5fd9695c4938cef7f87641d8979.jpg
Ông Giáp Đại Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáp tộc Việt Nam.

Theo gia phả và sách đá phát hiện ở thôn Cốc (xã Dĩnh Trì), cha của trạng nguyên là cụ Giáp Hà, người làng Dĩnh Kế, hiểu biết kinh sử, sáng suốt sự lý, luôn lấy việc làm ruộng, đọc sách lập nghiệp. Nhờ đó, cụ mở mang điền trạch hơn trăm nơi, luôn sẵn lòng đem thóc lúa cứu giúp kẻ khó khăn, lấy đó làm việc nghĩa. Điều vui nhất của cụ là việc dạy dỗ con cái học hành, thi cử. 

Vì thế từ nhỏ, Giáp Hải được cha cho học hành chu tất. Ông nổi tiếng thông minh, học một biết hai, ứng đối như thần. Ông Thắng kể lại, tương truyền, Giáp Hải ngày ngày thả trâu ở đồi Kế và ngồi trên một tảng đá để học bài. Hòn đá nơi ông ngồi học sau này còn in hằn cả vết chân. 

Cũng vì mải mê học, mỗi khi khát nước, ông thường múc nước giếng bên cạnh để uống quên cả ăn. Buổi tối, ông hay rang một túi hạt hồ tiêu, mỗi khi buồn ngủ lại lấy ra nhấm nháp cho miệng cay cay để tỉnh ngủ. 

Đến khi học “hết chữ” các ông đồ trong vùng, Giáp Hải được cha cho lên kinh đô học. Do học sâu hiểu rộng, đến khoa thi Mậu Tuất năm 1538, trong số 36 người đỗ tiến sĩ, Giáp Hải đỗ đầu và trở thành trạng nguyên. Khi ấy, ông 21 tuổi. 

Năm 1540, ông được bổ ra làm quan. Cũng năm đó, vua Mạc Đăng Doanh mất, Mạc Phúc Hải lên thay. Do kỵ tên húy của vua, Giáp Hải đổi tên thành Giáp Trừng.

z5244679586531 f1e2877a629432e10ec0da6dabae1261.jpg
Nhà lưu bia thờ thân phụ Trạng nguyên và Trạng nguyên Giáp Hải tại Đồi Cốc.

Trạng nguyên Giáp Hải được đánh giá là trung thần nhà Mạc, thanh liêm chính trực. Ông có tài về ngoại giao và văn chương uyên bác. Ông từng làm Thượng thư của cả 6 Bộ (Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Công, Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Binh) kiêm Đông các, tước Sách quận công…

Đến cuối đời, ông tự thấy quá vinh hiển, nhiều lần xin từ chức nhưng không được. Mãi đến năm 1585, vua Mạc Mậu Hợp mới đồng ý cho ông nghỉ, đồng thời ban cho lá cờ thêu đôi câu đối: “Trạng đầu, Tể tướng, đẩu Nam tuấn/Quốc lão, Đế sư, thiên hạ tôn” (Nghĩa là: Trạng nguyên, quan Tể tướng như sao Bắc Đẩu trời Nam sừng sững/Bậc Quốc lão, thầy dạy vua được thiên hạ tôn vinh).

Cũng nhờ sự dạy dỗ của cha, ngoài Giáp Hải, em trai ông là Giáp Thanh cũng được phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu tước Sùng Cẩn tử. Còn con trai của Giáp Hải là Giáp Lễ cũng đỗ tiến sĩ năm 1568 và cùng cha ra làm quan nhà Mạc.

Bia sách đá tiết lộ thân thế trạng nguyên

Ông Giáp Đại Thắng kể trước đây có rất nhiều giai thoại về thân thế của Trạng nguyên Giáp Hải, chẳng hạn quê quán ông ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), từ nhỏ mồ côi cha, được người lái buôn làng Dĩnh Kế nhận làm con nuôi và cho ăn học. Mãi đến tháng 8/1998, trong quá trình làm đường, nhân dân thôn Cốc (xã Dĩnh Trì) phát hiện một tấm bia đá dạng hình hộp, gồm hai mảnh úp vào nhau như một cuốn sách. 

“Bên trong tấm bia hộp có khắc tạc bằng chữ Hán, nét chữ khá rõ. Thời điểm đó, nhiều nhà sử học, nhà Hán Nôm, những người làm trong ngành Văn hóa, Thông tin của tỉnh và trung ương cũng đến tận nơi xem xét, nghiên cứu và xác định đây là một di vật lịch sử văn hóa có giá trị lớn, niên đại từ thế kỷ thứ XVI. 

Sau này, tấm bia được xác định là do Trạng nguyên Giáp Hải khắc đặt vào phần mộ của cha. Hiện tấm bia được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia”, ông Thắng kể.

Theo ông Thắng, sau khi tấm bia được phát hiện, thân thế vị Trạng nguyên này cũng được làm rõ. Về sau, con cháu họ Giáp đã xây dựng nhà lưu bia thờ thân phụ Trạng nguyên và Trạng nguyên Giáp Hải tại Đồi Cốc. Nơi đây cũng trở thành nơi thờ cúng và để con cháu học tập, noi gương.

Ông Thắng cho biết, sau thời kỳ của Trạng nguyên Giáp Hải, nhiều con cháu họ Giáp cũng đỗ đạt làm quan và có nhiều công trạng. Chẳng hạn cụ Giáp Nguyên Khoa (1690-1780), từng giữ chức Thượng thư Bộ Lại Nội giám thời vua Lê Dụ Tông; cụ Giáp Đình Liên (thế kỷ XVIII) làm quan Thái giám, triều đình Lê Cảnh Hưng; cụ Giáp Phúc Chính được phong Anh liệt Tướng quân Đô chỉ huy sứ thời Lê…

“Một số con cháu họ Giáp thế hệ sau này ở khu vực Tân Yên cũng tham gia vào cuộc khởi nghĩa Yên Thế do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo với vai trò quân tướng chủ chốt. Dòng họ cũng tự hào có cụ Giáp Văn Cương, nguyên Đô đốc Hải quân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam…”, ông Thắng kể.

z5244676710026 477388ca06318279a0edca5e40768507.jpg
Bia sách đá được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia.

Kể từ năm 1998, khi bia đá được tìm thấy, ý tưởng thành lập Ban liên lạc họ Giáp cũng được nhen nhóm nhằm kết nối các chi họ, phát huy truyền thống hiếu học theo gương sáng của Trạng nguyên Giáp Hải.

“Kể từ khi Ban liên lạc họ Giáp được thành lập, cứ vào ngày giỗ Trạng Kế 18/2 Âm lịch hàng năm, các chi họ đều đưa con cháu về đây để dâng hương lễ tổ, vinh danh thành tích học tập. Dòng họ cũng có cuốn sổ vàng ghi chép chi tiết từng người, số lượng, thời gian, thành tích học tập, đỗ đạt. Hiện nay dòng họ đã có hàng chục người là thạc sĩ, tiến sĩ”, ông Giáp Đại Thắng tự hào nói.

Tại thành phố Bắc Giang hiện nay cũng có một ngôi trường mang tên Trang nguyên Giáp Hải, 2 con đường mang tên Trạng nguyên Giáp Hải và Tiến sĩ Giáp Lễ. Theo ông Thắng, đây chính là niềm tự hào của những người con họ Giáp và cũng là lời nhắc nhở con cháu dòng họ tiếp tục phát huy mạch nguồn chảy mãi, làm rạng danh dòng tộc.

Ngôi làng nhỏ có đến hàng trăm giáo sư, tiến sĩ

Ngôi làng nhỏ có đến hàng trăm giáo sư, tiến sĩ

Làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) được biết đến là “làng khoa bảng”, nơi đây vẫn còn tấm bia ghi danh 11 vị tiến sĩ. Tiếp bước truyền thống hiếu học, đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm giáo sư, tiến sĩ.