Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc (người ngồi đầu tiên, bên phải), trong một buổi livestream. |
Tạo cơ hội cho phụ nữ
Đứng theo dõi livestream (hình thức truyền phát video hoặc âm thanh trực tiếp qua mạng Internet) của chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc, xóm Minh Tiến, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), tại Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên được tổ chức tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp cuối năm 2023, chúng tôi rất ấn tượng với kỹ năng livestream và khả năng diễn đạt trôi chảy, lôi cuốn của chị với khán giả theo dõi.
Chị Bình cùng đội nhóm đã đầu tư đầy đủ và sử dụng thành thạo các trang thiết bị như: đèn led, thiết bị ghi hình, microphone, giá đỡ điện thoại… Kết thúc 1 giờ livestream, nhóm của chị Bình đã chốt bán được trên 200 gói cốt lẩu sâm và các sản phẩm khác như: bột sâm, trà sâm...
Ngoài những buổi livestream, chị Bình cũng rất chú trọng quảng cáo các sản phẩm trên nền tảng số như: Zalo, Facebook, Youtube, TikTok, Shopee... Chị Bình chia sẻ: Thông qua mạng xã hội, hệ thống website, các sàn thương mại điện tử..., chúng tôi đã tận dụng được cơ hội để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kênh tiêu thụ phù hợp. Đặc biệt, việc ứng dụng thành thạo livestream giúp chúng tôi tương tác trực tiếp được với khách hàng. Vì thế, trong thời điểm suy thoái kinh tế, HTX vẫn giữ được hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương trung bình 7 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với chị Bình, chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc HTX chè Minh Thu, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), cũng thành công khi áp dụng kinh tế số trong kinh doanh. Bên cạnh việc quảng bá trên sàn thương mại điện tử và các nền tảng số, chị chú trọng xây dựng website HTX chè Minh Thu tại địa chỉ https://traminhthu.com. Trên web, chị đăng tải nhiều video, ảnh chụp quy trình sản xuất chè từng công đoạn như: Bón phân, thu hái, sao sấy, đóng gói. Những hình ảnh chân thực từ các hoạt động của HTX đã tạo thêm uy tín, sự tin tưởng của khách hàng.
Chị Thu cho biết: Tôi đã áp dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh sau khi tham gia các lớp tập huấn do các cấp hội phụ nữ phối hợp tổ chức. Việc kinh doanh có nhiều khởi sắc so với chưa áp dụng CĐS. Hiện nay, tuy giá trị các đơn hàng online mới chiếm khoảng 30% tổng doanh thu 4 tỷ đồng/năm nhưng HTX đã được rất nhiều bạn hàng, người tiêu dùng biết đến qua các kênh online.
Người tiêu dùng cũng rất dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin và mua sản phẩm. Nhờ tận dụng triệt để các nền tảng online mà thị trường cũng mở rộng ra nhiều tỉnh phía Nam, có những thời điểm như dịp Tết Nguyên đán, HTX có cả trăm đơn hàng…
Chị Bình, chị Thu chỉ là hai trong nhiều mô hình thành công của phụ nữ Thái Nguyên khi tham gia kinh tế số. Nhận thức được tác dụng quan trọng của CĐS trong hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp hội LHPN đẩy mạnh tuyên truyền về CĐS. Đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên tiếp cận và ứng dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh.
Chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc HTX chè Minh Thu (đứng giữa), chú trọng xây dựng website HTX chè Minh Thu để quảng bá sản phẩm trà. |
Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo về kinh tế số; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các công cụ, phần mềm số, quản trị doanh nghiệp số, kinh doanh online. Năm 2023, Hội LHPN tỉnh tổ chức 27 lớp tập huấn kiến thức về CĐS, trong đó có 5 lớp về ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế.
Hội LHPN cơ sở tổ chức gần 1.000 lớp tập huấn về CĐS, kinh tế số cung cấp kiến thức, hướng dẫn phụ nữ kinh doanh online, kinh doanh qua mạng xã hội, kinh doanh theo hình thức HTX, liên kết sản xuất… với sự tham gia của trên 15.000 học viên.
Bên cạnh đó, các cấp hội cũng phối hợp với các đơn vị hỗ trợ phụ nữ thành lập các gian hàng online, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số và tham gia các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, các cấp hội cũng khai thác các nguồn lực, xây dựng các mô hình điểm ứng dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế số.
Bà Phạm Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kinh tế của hội viên phụ nữ đã mang lại hiệu quả rõ nét, giúp tăng doanh thu, cải thiện đời sống, kết nối tiêu thụ sản phẩm và mở rộng quy mô, liên kết sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.
Để thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, các cấp hội sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Qua đó giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ quản lý mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thực hiện hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số và tham gia kinh tế số, hiện nay, các cấp hội có trên 4.000 phụ nữ là thành viên của các “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Năm 2023, các thành viên đã hỗ trợ trên 200 nghìn hội viên phụ nữ bổ sung kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội an toàn, tham gia kinh tế số…
Theo Thu Hà (Báo Thái Nguyên)