Giai đoạn 1858 – 1954 là một chương vừa đau thương, vừa bi tráng trong lịch sử Việt Nam. Với chúng ta, đó là thời kỳ đất nước bị chiếm làm thuộc địa và tranh đấu để giành lại độc lập. Nhưng đồng thời đó cũng là giai đoạn Việt Nam tiếp xúc mạnh mẽ và toàn diện với văn minh phương Tây, từ hệ thống quản lý hành chính, dịch vụ công cho tới giao thông vận tải, chăm sóc y tế, kỹ nghệ, khai mỏ, giáo dục,... Những biến động của gần một trăm năm này đã để lại những di sản, dấu ấn quan trọng, sâu sắc trong đời sống xã hội Việt Nam hiện tại, như việc chuyển đổi sang sử dụng chữ Quốc ngữ, hệ thống đường sắt Bắc Nam.
Vậy về phía người Pháp, họ nhìn nhận thời kỳ chinh phục, thiết lập thuộc địa tại Đông Dương như thế nào? Các học giả Pháp đã nghiên cứu, đã viết không ít về xứ sở thuộc địa trước kia tại Viễn Đông của họ, song ít có cuốn sách nào gom vào nội dung của mình trọn vẹn toàn bộ khoảng thời gian 96 năm cũng như hầu hết những khía cạnh quan trọng nhất của tiến trình thiết lập, khai thác thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương như “Đông Dương, một nền thuộc địa nhập nhằng, giai đoạn 1858 – 1954” (Indochine, la colonisation ambiguë, 1858-1954” của các tác giả Pierre Brocheux và Daniel Hémery.
Trước hết cần nhấn mạnh đây là cuốn sách của các tác giả người Pháp dành cho độc giả người Pháp, do đó nó được mở đầu bằng một phần dẫn nhập để cung cấp cho độc giả một hiểu biết cơ bản về tình hình vùng đất sau này sẽ trở thành Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, về bối cảnh lịch sử tại thực địa khi công cuộc thực dân hóa của người Pháp khai mào vào năm 1858, cũng như những hoạt động, tính toán của người Pháp liên quan tới vùng đất này trước thời điểm cuộc tấn công vào Đà Nẵng mở màn.
Nội dung chính thức của sách bắt đầu bằng chương 1 “Giai đoạn thuộc địa, sự hình thành Đông Dương thuộc Pháp (1858-1897)”, tóm lược lại toàn bộ tiến trình chiếm đóng Đông Dương của người Pháp cũng như những hoạt động chống trả lại cuộc xâm lược bình định này của các dân tộc Đông Dương, đặc biệt là phong trào Cần Vương tại Việt Nam (1885 – 1897).
Sự “nhập nhằng” của tiến trình thuộc địa hóa Đông Dương đã thể hiện rõ rệt ngay trong giai đoạn xâm chiếm vùng đất này của người Pháp, một quá trình diễn ra không nhất quán, dưới sự chỉ đạo không dứt khoán, với các chiến lược không thể hiện sự nhất quán, kế thừa giữa các đời chính phủ khác nhau của nước Pháp, thậm chí luôn tồn tại sự mâu thuẫn giữa các đảng phái trong chính trường chính quốc và các định chế công quyền khác nhau hiện diện tại thuộc địa với phạm vi quyền lực nhiều khi không được phân định rõ ràng, chức năng chồng chéo, thiếu phối hợp.
Chương 2 “Cấu trúc của một bộ máy cai trị” là câu chuyện của bộ máy quản lý tại Đông Dương, với sự đan xen các nhiệm vụ chinh phạt, bình định và quản lý hành chính, khai thác nguồn lực, sự kế tiếp các mô hình quản lý khác nhau, từ quân quản dịch chuyển sang hành chính dân sự, một tiến trình bao gồm cả sự hoàn thiện dần dần lẫn những giai đoạn trì trệ.
Song song với quá trình thiết lập hệ thống chính quyền, quá trình khai thác Đông Dương của người Pháp được cuốn sách mổ xẻ, phân tích kỹ lưỡng và tổng hợp lại trong chương 3 “Tư bản thuộc địa và công cuộc phát triển (1858 – 1940)”. Bên cạnh đó, những dấu ấn về văn hóa, xã hội, bao gồm cả những nỗ lực của người Pháp trong việc cải cách xã hội thuộc địa ở Đông Dương cũng như những bế tắc không giải quyết nổi của họ trong việc dung hòa các mâu thuẫn xã hội, nhất là trong việc cải thiện đời sống cho đa số dân cư bản địa được thể hiện rõ nét trong chương 4 “Xã hội thuộc địa thực dân và kẻ bị trị”, chương 5 “Những biến đổi văn hóa” và chương 6 “Những bế tắc của công cuộc phát triển thuộc địa”.
Quá trình phát triển xã hội Đông Dương, đặc biệt là tại Việt Nam, với những mâu thuẫn không thể được giải quyết, đặc biệt là giữa đa số người dân thuộc địa bị trị với chính quyền thuộc địa, đã thổi bùng dậy ngọn lửa phản kháng yêu nước vẫn âm ỉ kể từ sau thất bại của các phong trào kháng Pháp trước đây.
Tinh thần yêu nước, kết hợp với các tư tưởng chính trị tiến bộ từ phương Tây, đã dẫn tới những cuộc phản kháng được ghi nhận lại trong chương 7 “Những cuộc nổi dậy, những phong trào dân tộc chủ nghĩa, những phong trào xã hội” (1900 – 1939). Thế chiến thứ Hai và thất bại nhanh chóng của Pháp tại châu Âu đã đẩy nhanh hơn sự sụp đổ của nền thuộc địa của nước này tại Đông Dương, những năm cuối đầy biến động của quá trình này, bao gồm cả nỗ lực quay trở lại Đông Dương ngay sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc để vãn hồi vị thế cường quốc thuộc địa của người Pháp được hồi cứu lại trong chương 8 “Sự suy tàn và hồi kết của đế chế thuộc địa Pháp tại vùng Viễn Đông”. Phần nội dung chính của cuốn sách kết thúc bằng câu chuyện về hiệp định đình chiến ở Geneve, một cú “nhảy dù khẩn cấp” của người Pháp cốt để rút chân ra khỏi vũng lầy Đông Dương, bất chấp việc họ để lại phía sau một Việt Nam đầy bất ổn.
Để kết lại cuốn sách, các tác giả dành ra phần “Kết luận: Đông Dương của những cơ hội bị bỏ lỡ, Đông Dương trong khói lửa” để nhìn lại cuộc phiêu lưu thuộc địa pha trộn giữa những giấc mơ cường quốc, khai hóa văn minh với thực tế trần trụi về sự khai thác, bóc lột và áp bức dân tộc cũng như các hệ lụy của nó, không chỉ tại Đông Dương mà ở tất cả những nơi chủ nghĩa thực dân đã lan tới trên toàn thế giới.
Đề cập tới mọi khía cạnh, giai đoạn của một quá trình kéo dài gần một thế kỷ, “Đông Dương, một nền thuộc địa nhập nhằng” là một cuốn sách nặng tính học thuật với rất nhiều số liệu, phân tích được cung cấp để minh họa cho các lập luận của hai tác giả. Đi kèm với khối lượng thông tin và bàn luận phân tích đồ sộ này là nhiều biểu đồ, bản đồ cho phép độc giả tiếp cận quá khứ một cách trực quan, dễ dàng hơn.
Bất cứ độc giả nào quan tâm tới lịch sử Việt Nam thời kỳ thuộc địa này đều sẽ tìm thấy ở cuốn sách một cái nhìn toàn diện đủ để thỏa mãn sự ham hiểu biết của mình, còn các nhà nghiên cứu cũng có thể tìm thấy từ cuốn sách cũng như danh mục tài liệu tham khảo phong phú được viện dẫn trong sách nguồn thông tin tham khảo giá trị phục vụ cho các nghiên cứu của mình. “Đông Dương, một nền thuộc địa nhập nhằng” thực sự là một bổ sung giá trị nữa cho tủ sách về lịch sử Việt Nam thời kỳ thuộc Pháp.
Dịch giả Lê Đình Chi
Thiết kế: Hồng Anh