Hơn 12.000 người đã tử vong do thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hàng chục nghìn người khác vẫn đang mắc kẹt dưới các đống đổ nát. Các nỗ lực cứu nạn, cứu hộ tiếp tục diễn ra khẩn trương, trong đó các công nghệ hiện đại cũng hỗ trợ một phần không nhỏ cho đội ngũ nhân viên cứu trợ.

Drone

Máy bay không người lái (drone) ngày càng được sử dụng phổ biến trong cuộc sống đời thường lẫn chiến tranh. Chúng còn là những công cụ vô giá khi xảy ra thảm họa tự nhiên. Nhiều hình ảnh từ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cho thấy mức độ tàn phá và quy mô của động đất được gửi về từ drone, cho phép nhân viên cứu hộ có được bức tranh rõ nét hơn về điều gì đã xảy ra.

Tây Ban Nha cho biết họ sẽ gửi drone tới Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong gói viện trợ.

Các doanh nghiệp tư nhân như Fly Bvlos Technology, Garuda Aerospace… cũng gửi drone và phi công đến hỗ trợ. Mẫu máy bay Kisan của Garuda Aerospace sẽ vận chuyển vật tư y tế, thực phẩm, thuốc men đến cho nạn nhân.

Drone không chỉ chụp ảnh từ trên cao mà còn có thể trang bị cảm biến để đánh giá các thiệt hại, chẳng hạn phát hiện nồng độ mê-tan cao để báo hiệu nguy cơ phát nổ nếu nguồn cung ga bị hư hỏng.

Công cụ FINDER của NASA

Công cụ FINDER của NASA có thể hỗ trợ tìm người sống sót dưới các đống đổ nát. 

Với kích thước không lớn hơn một chiếc vali, công nghệ của NASA có thể phát hiện nhịp tim từ khoảng cách 9m dưới lớp gạch vụn. Nó được sử dụng để tìm kiếm những người sống sót trong các vụ động đất.

Năm 2015, FINDER đã tìm thấy 4 người đàn ông bị vùi lấp khoảng 3m dưới lớp gạch, bùn, gỗ và các mảnh vụn khác tại làng Chautara, Nepal. Hai năm sau, công nghệ được cấp phép cho các công ty tại Mexico để hỗ trợ vụ động đất 7,1 độ richter.

FINDER hoạt động bằng cách gửi các tín hiệu công suất thấp thông qua đống đổ nát để tìm kiếm thay đổi trong phản xạ trở lại với các tín hiệu này. Nó có thể gây ra do những chuyển động rất nhỏ như thở, tim đập.

Bản đồ vệ tinh

Hình ảnh vệ tinh về khu vực xảy ra động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. (Ảnh: Liên Hợp Quốc)

Trong vòng vài giờ sau khi động đất diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, Liên Hợp Quốc đã kích hoạt dịch vụ bản đồ vệ tinh khẩn cấp. Về cơ bản, nó là một bản đồ trực tiếp, cung cấp hình ảnh thời gian thực về thiệt hại do động đất gây ra và tác động của nó sâu rộng đến mức nào.

Trung tâm Vệ tinh Liên Hợp Quốc không tự vận hành vệ tinh mà dựa vào các nước thành viên để thu thập hình ảnh từ các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân. Bản đồ sẽ giúp các đội cứu nạn phản ứng tối ưu trước thảm họa.

Bên cạnh đó, EU cũng kích hoạt hệ thống vệ tinh Copernicus để cung cấp dịch vụ bản đồ khẩn cấp.

Internet vệ tinh

Elon Musk – ông chủ công ty hàng không vũ trụ SpaceX – sẵn sàng gửi hệ thống Internet vệ tinh ngay khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận. Ông từng làm điều tương tự khi Nga tấn công Ukraine năm 2022.

Dịch vụ Internet vệ tinh Starlink cung cấp băng rộng tốc độ cao đến những khu vực xa xôi, hẻo lánh trên thế giới. Những đầu thu dưới mặt đất sẽ kết nối với hàng nghìn vệ tinh nằm ở quỹ đạo thấp của Trái Đất. Càng nhiều vệ tinh, độ trễ càng thấp và tín hiệu càng ổn định so với băng rộng truyền thống.

Mạng xã hội

Cũng như các thảm họa trước đây, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong điều phối cứu trợ, tìm kiếm người cần giúp đỡ, chia sẻ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Chẳng hạn, một tweet của những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát tại thành phố Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ) đã được đăng lại hơn 43.700 lần và tiếp cận hàng triệu người.

Các cơ quan chính phủ cũng liên tục cập nhật trên tài khoản chính thức, còn tổ chức Chữ thập đỏ Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ những cách để mọi người hỗ trợ nhau, bao gồm quyên góp.

Doanh nghiệp công nghệ hướng về Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Amazon, Google và Apple thông báo sẽ viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Amazon cam kết quyên góp các mặt hàng cứu trợ từ trung tâm fulfilment (hoàn tất đơn hàng) tại Istanbul đến những khu vực bị ảnh hưởng. Chúng bao gồm chăn, lều, máy sưởi, thực phẩm, tã, thực phẩm cho trẻ em, thuốc và các mặt hàng cần thiết khác do nạn nhân không chỉ bị ảnh hưởng từ động đất mà còn chịu đựng thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

Trong khi đó, Google nói sẽ kích hoạt “SOS Alerts” và cung cấp thông tin cứu trợ liên quan cho những người bị ảnh hưởng. Các thông tin này có số điện thoại khẩn cấp, website, bản đồ, phiên dịch những cụm từ hữu ích, quyên góp… CEO Apple cũng cho biết công ty sẽ thực hiện hoạt động cứu trợ cho người dân khu vực thảm họa.

(Tổng hợp)