Microsoft vừa khiến cả làng công nghệ rúng động khi quyết định thâu tóm mạng xã hội tuyển dụng LinkedIn với số tiền lên tới 26,2 tỷ USD.

Đây là một cái giá ngất ngưởng dành cho một mạng xã hội và cũng là thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử Microsoft từ trước đến nay. Là thương vụ lớn đầu tiên dưới thời Tổng giám đốc Satya Nadella, sự thành bại của LinkedIn cũng sẽ quyết định số phận của nhà lãnh đạo này. Câu hỏi mà tất cả mọi người đều đang thắc mắc là: Tại sao Microsoft lại muốn LinkedIn đến mức đó?

{keywords}
Có 2 động cơ khiến Microsoft thâu tóm LinkedIn

Bức email nội bộ mà Nadella gửi cho các nhân viên sáng nay, vài giờ sau khi thương vụ được công bố, đã trả lời được phần nào câu hỏi nói trên. Vị CEO gốc Ấn chỉ ra rằng, LinkedIn là "nơi và cách thức mà mọi người tìm việc, phát triển kỹ năng, bán hàng, tiếp thị và hoàn thành công việc". Đó là một công cụ then chốt trong không gian làm việc chuyên nghiệp, với hơn 433 triệu thành viên và hơn 2 triệu thuê bao trả tiền.

Bản thân Microsoft có hơn 1,2 tỷ người dùng Office, nhưng hãng chưa có mấy dấu ấn trong địa hạt mạng xã hội và buộc phải dựa vào những cái tên như Facebook, LinkedIn để cung cấp sự kết nối, liên lạc mà người dùng đòi hỏi. Giờ đây, LinkedIn sẽ cho phép Microsoft tiếp cận tức thì với hơn 433 triệu thành viên của mình, cùng với một "dân số mạng xã hội" đông đảo, vững chắc, chuyên nghiệp - dân số này rất phù hợp với các dịch vụ và phần mềm mà Microsoft đang cung cấp (Có thể giả định một cách an toàn rằng, hầu hết người trưởng thành tại Mỹ đều đang dùng LinkedIn để tìm việc, kết nối với đồng nghiệp...).

"Sự kết hợp này sẽ mở đường cho những trải nghiệm mới như newsfeed trên LinkedIn, cho phép hiển thị các bài báo dựa trên những dự án mà bạn đang theo đuổi, còn Office thì gợi ý một chuyên gia để bạn liên hệ thông qua LinkedIn nhằm tư vấn cho một công việc mà bạn đang phải hoàn thành", ông Nadella hình dung. Khi những trải nghiệm này trở nên thông minh và sống động hơn, sự gắn kết giữa LinkedIn và Office 365 cũng tăng lên. Đổi lại, các cơ hội mới để kiếm tiền thông qua hình thức thuê bao dịch vụ (dành cho cá nhân và tổ chức), rồi quảng cáo trúng đích đều sẽ xuất hiện.

Như vậy, động cơ thực sự của Microsoft là muốn biến hồ sơ người dùng trên LinkedIn thành "danh tính" mới của họ trong môi trường công việc.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những thí dụ mà Nadella đưa ra trong email nói trên chỉ là một phần nhỏ trong hình dung của Microsoft về tương lai của LinkedIn. LinkedIn sẽ là hồ sơ trung tâm xuất hiện trong tất cả các ứng dụng như Outlook, Skype, Office và bản thân Windows nữa.

"Microsoft muốn biến các hồ sơ LinkedIn thành một danh tính chung, còn newsfeed thì biến thành kênh dữ liệu thông minh để kết nối các nhân sự với nhau thông qua các cuộc họp chung, các bản ghi chép hay trao đổi email. Đó là một tương lai sử dụng mạng xã hội một cách mạnh mẽ, kết nối trực tiếp với công nghệ trí tuệ nhân tạo mà Microsoft rất hứng thú gần đây", trang The Verge suy đoán.

{keywords}
Cả làng công nghệ rúng động vì thương vụ 26,2 tỷ USD

Microsoft thậm chí còn cung cấp một thí dụ cho thấy Cortana kết nối với LinkedIn để cung cấp bối cảnh về những người mà bạn có thể tiếp xúc trong công việc. Rõ ràng, Microsoft đang nhìn nhận LinkedIn như là một thành tố quan trọng để khiến Cortana trở nên thông minh hơn ở môi trường công sở. Tuy vậy, LinkedIn vẫn có hai điểm yếu nổi tiếng là hay bị dội bom thư rác và bị lộ mật khẩu thành viên gần đây. Microsoft sẽ phải giải quyết triệt để 2 vấn đề này nếu như muốn LinkedIn thực sự được các doanh nghiệp đón nhận.

2. Gạt Facebook, Google ra khỏi cuộc chơi "văn phòng"

Một động cơ thứ hai nữa đứng sau quyết định mua lại LinkedIn của Microsoft liên quan đến cuộc chiến cạnh tranh với các đối thủ như Facebook, Google. Cả hai hãng này đều rất hứng thú với việc mở rộng vào mảng "mạng xã hội công sở", nhưng LinkedIn có sẵn lợi thế của việc được coi là một mạng xã hội chuyên nghiệp.

Do đó, với việc mua lại LinkedIn, Microsoft đã đặt cược lớn cho công nghệ "máy đọc hiểu" hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo, đồng thời củng cố vị thế kiểm soát của hãng ở hạng mục phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp trước các đối thủ.

"Giờ đây, Microsoft đã có một mạng xã hội khổng lồ để phòng vệ trước những gói dịch vụ văn phòng của Google, song hãng vẫn cần phải thuyết phục các doanh nghiệp không dùng Facebook at Work hay Google Apps thay cho LinkedIn. Hãng cũng sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tích hợp LinkedIn vào các phần mềm, dịch vụ cũng như văn hóa quản trị của Microsoft", Forbes nhận xét. Những thương vụ thâu tóm trước đây của Microsoft có kết quả khá trồi sụt. Hãng từng mua lại Yammer cách đây 4 năm, mua lại Skype với giá 8.5 tỷ USD hồi năm 2011. Cả hai dịch vụ này đều đã được tích hợp sâu vào Office, nhưng chúng chưa thực sự gặt hái được thành công nào ấn tượng.

LinkedIn là một dịch vụ khác biệt, và nhiều nhà quan sát đang kiên nhẫn đợi xem Microsoft sẽ khai thác mạng xã hội này hiệu quả đến đâu, hay đơn thuần lại chỉ là một phi vụ ném tiền qua cửa sổ giống cuộc thâu tóm Nokia cách đây vài năm.

Trọng Cầm