Làm ngược lại và điều bất ngờ
Hàng không là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, bay nội địa sụt giảm, bay quốc tế đứt gãy, máy bay nằm sân, các hãng bay báo lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, đây lại là ngành có sự hồi phục đáng kinh ngạc.
Sau giãn cách, khách nội địa lại tăng lên, hàng nghìn chuyến bay đã được khôi phục, nhiều hãng đã mở các tuyến mới. Ngày 29/9, Bamboo Airways bắt đầu khai thác 3 đường bay thẳng từ Hà Nội, Vinh, Hải Phòng tới Côn Đảo. Không ai ngờ, ngay sau cao điểm dịch bệnh, đường bay mới lại được nhiều người quan tâm đến thế. Một tuyến bay vốn “độc quyền’, luôn khó mua vé đã thay đổi hoàn toàn để người dân dễ dàng đến với Côn Đảo, kích thích du lịch địa phương phát triển.
Đại diện Bamboo Airways cho biết, sau giãn cách lần 2, về cơ bản, bay nội địa cũng phục hồi tốt. Đến tháng 10, toàn bộ mạng bay nội địa của hãng hoạt động bình thường trở lại. Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng đang chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ trên các đường bay nội địa. Thậm chí, trong tháng 9/2020, số khách bay còn tăng cao hơn cả cùng kỳ năm ngoái 12%. Dù đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính nhưng hãng này cũng tiết lộ sẽ mở rộng mạng bay nội địa từ tháng 10.
Theo ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tich Bamboo Airways - với dân số hơn 100 triệu, nhu cầu đi lại ngày càng lớn nên thị trường hàng không nội địa đang phục hồi tốt, vượt cả năm ngoái. Các hãng hàng không cạnh tranh giá vé giảm sâu và người dân được hưởng lợi khi dễ dàng chọn hàng không làm phương tiện di chuyển. Vì thế, hết dịch là lượng khách đi bằng đường hàng không bật tăng trở lại.
Ngành hàng không có sự hồi phục đáng kinh ngạc. |
Ông Quyết cũng cho biết, Bamboo Airways sẽ tiếp tục mở các đường bay mới từ Thanh Hóa đi Cần Thơ, Quy Nhơn; từ Thanh Hóa/Vinh đi các tỉnh Tây Nguyên. Việc tập trung phát triển các đường bay ngách sẽ giúp hãng bay hướng đến mục tiêu chiếm thị phần khách nội địa 30% trong năm tới.
Mới đây, việc Chính phủ cho nối lại các đường bay quốc tế đã mở thêm cơ hội hồi phục cho hàng không. Cùng với khôi phục các đường bay đi Đài Loan, Hàn Quốc, Bamboo Airways sẽ mở các đường bay đến Nhật vào tháng 11/2020 và sau đó là Singapore, Úc. Với các điều kiện bay thương mại tới 27 nước châu Âu đã sẵn sàng, hãng này cho biết chỉ chờ hết dịch là cất cánh bay quốc tế.
Hãng hàng không bay thuê chuyến (charter) Vietravel Airlines mới ra đời gặp Covid-19 nhưng không có ý định lùi lại. Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến bay thương mại đầu tiên cất cánh vào đầu năm 2021 đang rốt ráo triển khai. Vietravel Airlines đã hoàn thiện các thủ tục để có chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC) trước tháng 1/2021; tiến hành thuê máy bay, tuyển và đào tạo tiếp viên hàng không...
Trong khi đó, theo tiết lộ từ chủ Bamboo Airways, hãng này đang thuê tư vấn quốc tế để nâng cấp lên chuẩn hàng không 5 sao vào 2022.
Những động thái của các hãng này cho thấy sự chuẩn bị từ trong khó khăn để đón cơ hội mới. Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không quốc tế, trên phạm vi toàn cầu, chỉ có Việt Nam, Hàn Quốc và Indonesia ghi nhận tăng trưởng du lịch trong nước. So với cùng kỳ năm trước, số lượng các chuyến bay nội địa theo lịch trình của Việt Nam đã tăng mạnh nhất, ấn tượng nhất với 28%.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, đánh giá, thời gian vừa qua, các DN đã nỗ lực tìm mọi cách để trụ vững, điều đó rất thần kỳ, rất đáng trân trọng. Bằng mọi cách, họ duy trì hoạt động bằng thế mạnh của mình, có những DN sẵn sàng chuyển đổi sang các sản phẩm mới, tìm kiếm những khách hàng mới, có DN đầu tư mở rộng đón cơ hội mới.
Dòng chảy qua đại dịch
Giữa rất nhiều khó khăn và cảnh báo đầy thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá cao không chỉ đến từ các chỉ số vĩ mô mà bằng chính những dòng chảy mạnh mẽ của vốn đầu tư và hoạt động của DN.
Du lịch trong nước tăng trưởng mạnh mẽ. |
Mới đây, Tập đoàn Pegatron (nhà cung ứng linh kiện, sản phẩm điện tử hàng đầu cho các ông lớn về công nghệ trên thế giới như Microsoft, Apple, Sony,... ) đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 1 tỷ USD để xây dựng tổ hợp công nghệ cao tại Việt Nam. Trước đó, chuỗi cung ứng của Apple với những tên tuổi như Foxconn, Luxshare,... đã đến Việt Nam mở rộng đầu tư với các đơn hàng hàng tỷ USD. Dòng vốn đầu tư lớn đang hướng đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội và đón đầu hồi phục mạnh mẽ.
Ở trong nước, qua 2/3 thời gian của 2020 với những khó khăn vì Covid-19 nhưng Tập đoàn Hòa Phát vẫn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khu liên hợp thép tỷ USD ở Quảng Ngãi. Đại dịch cũng không làm chậm kế hoạch chuyển đổi để bước lên quy mô một nhà sản xuất tầm cỡ lớn của khu vực. Tập đoàn Thành Công cùng lúc khởi công nhà máy lắp ráp ô tô số 2 ở Ninh Bình và xây dựng tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô ở Quảng Ninh.
Công ty chế biến thuỷ sản Vĩnh Hoàn cũng đã bước qua thời điểm khó khăn nhất và hy vọng đang đến từ việc mở rộng, tăng 75% công suất lên 3.500 tấn thành phẩm/năm dây chuyền Collagen và Gelatin ngay trong thời kỳ dịch bệnh và hoàn thành vào cuối tháng 8/2020.
Ngay trong lĩnh vực khó khăn nhất là du lịch, Tập đoàn FLC sẽ đưa vào hoạt động dự án FLC Grand Hotel Quy Nhơn, với 1.500 phòng, có thể phục vụ đồng thời 3.500 khách.
Lãnh đạo một DN lữ hành cho rằng, nếu từ nay đến cuối năm, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, thì đầu năm 2021 Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng đón dòng khách nội địa tăng mạnh trở lại.
Mặc dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam được xem là điểm sáng trong khu vực và trên thế giới. Tại báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố ngày 19/9, Ngân hàng Thế giới đánh giá, hầu hết các chỉ số kinh tế và tài chính tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi của Việt Nam,
Còn theo McKinsey, trước Covid-19, Việt Nam đã là điểm đến hấp dẫn cho ngành sản xuất gia công và du lịch. Thành công trong việc chống đại dịch giúp Việt Nam xác lập một vị thế tốt khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.
Dưới góc độ của một DN lớn, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, DN phải chấp nhận đầu tư dài hạn cho nền tảng, chất lượng và thương hiệu. Không phải khó khăn là dừng lại mà sau khó khăn là cơ hội nên phải tiếp tục đầu tư hướng tới hiệu quả dài hạn.
Mai Yên