Trong những năm qua, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quan trọng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại địa phương về truyền thông chính sách: Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND ngày 11/4/2017 ban hành quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Kế hoạch số 1981/KH-UBND ngày 10/6/2022 Triển khai Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông Lai Châu đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3430/KH-UBND ngày 08/9/2023 triển khai thực hiện tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đưa ra 09 giải pháp trọng tâm triển khai hiệu quả công tác truyền thông chính sách tại địa phương. 

than uyen 1.jpg
Người dân huyện Than Uyên tham dự Ngày hội truyền thông với chủ đề “ Than Uyên - Điểm hẹn khám phá”. 

Trong đó nhấn mạnh giải pháp thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; bố trí, sắp xếp đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách tại địa phương; làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn về truyền thông chính sách cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở trên địa bàn tỉnh...; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức truyền thông để tạo hiệu quả truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu; xây dựng hiệu quả mạng lưới kết nối truyền thông...

Triển khai đồng bộ các giải pháp với quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách tại địa phương. Lai Châu cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác thông tin tuyên truyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để các cơ quan, báo chí làm “cầu nối” thông tin tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các chủ trương chính sách quan trọng của tỉnh để từ đó quán triệt, thống nhất ý chí và hành động. 

 Hệ thống truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay khá đa dạng thông qua hệ thống báo chí, truyền thông, bao gồm cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp, hệ thống thông tin ở cơ sở, qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông); qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, qua xuất bản phẩm của các cơ quan, đơn vị... Nhờ đó đã cơ bản tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu tới người dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, Lai Châu có hơn 2.400 báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; 03 cơ quan chí tỉnh; 04 cơ quan báo chí Trung ương đặt Văn phòng đại diện, cử Phóng viên thường trú; 8 cơ quan có ấn phẩm mang tính báo chí và khoảng gần 100 cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; 104 đài truyền thanh cấp xã (trong đó có 33 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-viễn thông; 71 đài FM) với 568 cụm loa đang hoạt động (348 cụm loa sử dụng công nghệ FM; 220 cụm loa ứng dụng CNTT-VT) tại các cụm dân cư, thôn, bản; thường xuyên cập nhật các văn bản, chủ trương, chính sách, pháp luật của Trung ương, tỉnh huyện, xã để tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. 08/08 huyện, thành phố đã thành lập tài khoản facebook, zalo để phục vụ công tác tuyên truyền kịp thời các nhiệm vụ chính trị hoặc các vấn đề cấp bách, sự cố ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9-10%/năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm... Mục tiêu này rất cần sự đồng hành của công tác truyền thông, quảng bá, nhất là vai trò quan trọng của công tác truyền thông chính sách.

Nguyễn Hạnh và nhóm PV, BTV