Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại đã góp phần quyết định chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, cho thấy hiệu quả hoạt động của nền hành chính của tỉnh. Ông cũng khẳng định mục tiêu năm 2023: 100% thủ tục hành chính ở Quảng Ninh đều được rút ngắn từ 30% - 70% thời gian giải quyết so với quy định của cơ quan Trung ương, hơn 60% hồ sơ được giải quyết trước hạn.
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu về chỉ số cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Tỉnh đã rất chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số để thúc đẩy nền sản xuất thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đến nay tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13% (trung bình cả nước đạt 75,39%). 100% xã, phường, thị trấn được triển khai Internet băng rộng (gồm cả các thôn, bản vùng sâu vùng đồng bào DTTS, biên giới hải đảo).
Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế Tier-3, hiện được phát triển theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Chỉ số hạ tầng số, hiện tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của Quảng Ninh đạt khoảng 30%, cao hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (20%).
Cùng với đó, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương hoàn thành kết nối cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và 6 hệ thống giải quyết thủ tục hành chính khác của các bộ, ngành. Hoàn thành kết nối hệ thống chính quyền điện tử tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối chính thức với trên 10 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng thuộc các lĩnh vực trọng điểm, như doanh nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng, tư pháp, bảo hiểm, bưu chính viễn thông...
Coi hạ tầng số là nền tảng vững chắc để tạo ra các giá trị tăng trưởng mới cho kinh tế xã hội, ngày 5/2/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành nghị quyết xác định triển khai chuyển đổi số ở cả ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với 27 mục tiêu và 51 nhiệm vụ cụ thể.
Nghị quyết xác định lấy người dân là trung tâm, là con đường ngắn nhất để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Việc triển khai chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ở trụ cột chính quyền số, đến nay có gần 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Quảng Ninh được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 99% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (thuộc top đầu cả nước). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất nước.
Ở trụ cột kinh tế số, đến nay Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có 100% doanh nghiệp sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Quảng Ninh cũng có gần 99% hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số.
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã lên các sàn thương mại điện tử. Cấp gần 600 bộ mã truy xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và gần 100 tài khoản vận hành cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ở trụ cột xã hội số, Quảng Ninh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại. Chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính…
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 máy ATM, gần 2.400 máy POS với hơn 2.100 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, đang tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học...
Có 2,8 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có trên 2 triệu tài khoản đang hoạt động, có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt và có phát sinh giao dịch.
Theo bảng xếp hạng mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ 3, tăng 4 bậc so với năm 2021. Với giá trị DTI đạt 0,7024 điểm (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021) chỉ xếp sau Đà Nẵng và TP.HCM. Kết quả cụ thể của 3 trụ cột là: Chính quyền số đứng vị trí thức 4, xã hội số đứng vị trí thứ 2 và kinh tế số đứng vị trí thứ 9. |
Công Duy