Lũng Niêm là xã nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá; địa hình chủ yếu là núi cao với hơn 98% đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống bắt đầu xuất hiện ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm từ thế kỷ XVIII (khoảng năm 1749). Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, bắt đầu từ khi thôn Lặn Ngoài mới thành lập với thế hệ dòng họ Hà và dòng họ Lò.

Trang phục của người Thái ở thôn Lặn Ngoài do chính tay những người phụ nữ nơi đây dệt nên. Với người Thái, dệt vải là công việc hết sức quan trọng mà cô gái nào cũng phải biết. 

2023 12 9 bao ton va phat huy nghe det tho cam truyen thong giup dong bao dan toc thai thoat ngheo anh 4.jpg
Dệt vải là công việc hết sức quan trọng mà cô gái Thái nào cũng phải biết.

Để tấm vải có màu sắc, trước khi dệt, bà con vào rừng tìm một số loài cây lấy lá, lấy vỏ, lấy rễ đem về nấu cho đến khi nước có màu sắc rồi nhúng cuộn sợi vào nước khoảng 30 phút, sau đó đem phơi khô.

Sợi được ngâm màu và phơi khô đảm bảo độ săn, dai, bền và chắc sẽ được mắc vào khung cửi để dệt nên những tấm vải theo ý muốn của người dệt. Đến công đoạn dệt cũng đòi hỏi sự khéo léo để làm nên những sản phẩm có đường nét nhuần nhuyễn, màu sắc hài hòa, hoa văn tinh xảo, mang bản sắc dân tộc Thái ở huyện Bá Thước.

Mặc dù mang bản sắc văn hóa dân tộc, thế nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nghề dệt thổ cẩm tại thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Liêm cũng không tránh khỏi “số phận” như những nghề truyền thống khác. Đã có giai đoạn, nghề dệt thổ cẩm nơi đây đứng trước nguy cơ bị mai một.

Để khôi phục làng nghề truyền thống, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, huyện Bá Thước, xã Lũng Niêm và người dân đã thực hiện nhiều giải pháp phát huy hiệu quả nghề dệt, tạo sinh kế bền vững cho người dân, như: xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng cây bông để lấy sợi phục vụ dệt thổ cẩm...

Từ nguồn kinh phí của Đề án "Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020", huyện Bá Thước đã hỗ trợ phục hồi khung dệt cho hàng chục hộ gia đình; hỗ trợ người dân giới thiệu và quảng bá các sản phẩm thổ cẩm qua các hội chợ, các kênh thương mại...

Đến nay, nhờ có nghề dệt thổ cẩm truyền thống nên thu nhập bình quân của mỗi lao động trong thôn Lặn Ngoài hằng năm đạt khoảng 52 triệu đồng.

Năm 2023, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, xã Lũng Niêm đã có thêm kinh phí để tổ chức các lớp truyền dạy nghề, hỗ trợ khung cửi, máy móc cho người dân; xây dựng nhà sàn trưng bày sản phẩm tại vị trí sân vận động thôn... góp phần bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ngày càng bền vững.

Đào Lý và nhóm PV, BTV