Năm 2018, anh Đinh Vộ (SN 1996) ở bản Khe Rung, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bắt đầu thử nuôi 2 con lợn được hỗ trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau vài tháng nuôi, lợn của anh phát triển tốt, anh cũng tìm hiểu và mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi.Từ 2 con, nay gia đình anh đang nuôi khoảng 20 con lợn rừng lai, cho thu nhập khá ổn định.
Từ trang trại nhỏ, anh đã cất nhà khang trang, sắp tới anh còn dự định mở rộng quy mô, nuôi thêm gà bản địa có giá trị cao, phát triển kinh tế và tạo thương hiệu cho nông sản địa phương.
Kể về những ngày đầu lập nghiệp, anh Vộ chia sẻ: “Lúc đầu tôi chọn nuôi lợn vì muốn phát triển kinh tế cho gia đình, sau đó thì làm gương cho bà con dân bản noi theo. Mình là Đảng viên, nói được phải làm được, đó là cách tuyên truyền tốt nhất để góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhà nào cũng tự làm được cái ăn, cái mặc thì bản làng mới bớt nghèo được”.
Bằng hành động và ý chí, sự chăm chỉ, cần cù, anh đã truyền động lực cho nhiều người mạnh dạn phát triển kinh tế. Dù 18 bản của xã nằm cách xa nhau và đường đi lại rất khó khăn nhưng theo định kỳ, anh cũng không ngại khó, ngại khổ đến để tiêm lợn giúp người dân và về đồng bằng tìm tòi, học hỏi thêm.
Bên cạnh mô hình nuôi lợn của anh Đinh Vộ, xã Thượng Trạch cũng xác hướng phát triển là các loại nông sản, sản vật, sản phẩm từ rừng…
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Cà Roòng hiện có 30 thành viên với các sản phẩm chính là măng khô, măng chua, nếp than, trong đó sản phẩm OCOP 3 sao là măng khô rừng Cà Ròong đã mang lại nguồn thu nhập cho bà con.
Từ chủ trương “Mỗi xã một sản phẩm”, chính quyền xã Thượng Trạch đã phân tích sản phẩm lợi thế của địa phương, sau nhiều lần họp bàn, măng rừng Cà Roòng đã được lựa chọn để triển khai làm sản phẩm OCOP. Với kỳ vọng tạo liên kết cho các hộ dân trong bản để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế từ măng rừng. Từng bước đưa việc hái măng về không còn để ăn no cái bụng mà hướng tới sản xuất hàng hóa, tạo sinh kế cho đồng bào vùng biên.
Theo Chủ tịch HTX Đinh Xức, mỗi mùa măng kéo dài khoảng 4 tháng, HTX sẽ thu mua măng từ các hộ gia đình rồi về sơ chế, đóng gói bắt mắt và được bao tiêu, đặt hàng trước, hiện tại nhu cầu thu mua đang lớn hơn nhiều so với khả năng cung cấp của đơn vị, HTX cũng đang phấn đấu để đưa măng rừng vươn lên sản phẩm OCOP 4 sao.
Hiện chính quyền xã Thượng Trạch cũng đang triển khai tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm tạo nguồn lợi phát triển quanh năm, thu hút gần 100 hộ dân chung tay tham gia sản xuất.
Tiểu dự án có các kế hoạch chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn thương phẩm, mô hình chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn bản, trồng cây măng lục trúc và cây bơ sáp… phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Trạch chia sẻ: “Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo hướng phát huy nội lực là chính, gắn với lồng ghép có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Với dự án kéo điện lưới quốc gia giai đoạn 2, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có nhiều nhà xưởng chế biến nông sản, đời sống của bà con cũng đa dạng, phong phú hơn,tiếp sức cho công cuộc phát triển kinh tế -xã hội của địa phương”.
Hải Sâm